Đề nghị tách nhà tạm giam, tạm giữ khỏi cơ quan điều tra

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) có nguyên nhân từ sự bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra.
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) có nguyên nhân từ sự bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra.
TPO - Chiều 23/5, thẩm tra Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp quản lý để chống bức cung, nhục hình bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm với cơ quan điều tra.

Bức cung, nhục hình chủ yếu xảy ra trong giai đoạn điều tra

Trình bày báo cáo Thẩm tra Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho hay, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. 

Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, UBTP đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai.

Bên cạnh đó quy định việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam. 

Tách để kiểm soát lẫn nhau

Về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam, ông Hiện đề nghị xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý. Trong đó, mô hình đó phải phúc đáp yêu cầu bảo đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã xảy ra trong thời gian qua. 

“UBTP đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay. Qua đó, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam”, ông Hiện nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiện, nhiều ý kiến đề nghị, dự án Luật cần quy định cụ thể cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, UBTP cho biết, qua hoạt động giám sát, khảo sát thấy, hiện nay tại mỗi tỉnh có 1 trại tạm giam, mỗi huyện có 1 nhà tạm giữ, có những trại tạm giam, nhà tạm giữ luôn trong tình trạng quá tải, nhưng cũng có trại tạm giam, nhà tạm giữ lại không có đủ số lượng theo quy mô xây dựng. Do đó, Dự án Luật cần nghiên cứu xây dựng mô hình hoàn thiện hơn để sử dụng trại tạm giam, nhà tạm giữ hợp lý, hiệu quả, khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên. 

MỚI - NÓNG