> Chưa quy định 'quyền được chết' vào Hiến pháp
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992. |
Tại Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng ban Biên tập DTSĐHP năm 1992 – ông Phan Trung Lý, trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2 Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”.
Theo VOV