Đề nghị điều chuyển cán bộ sợ sai gây ách tắc vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm tháng đầu năm nay, 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Với những trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị người đứng đầu đơn vị, địa phương kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc giải ngân vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công điện về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024.

Theo báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 148.000 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao. Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 đơn vị và 29 địa phương có tỷ lệ giải dưới mức trung bình của cả nước.

Có 5 bộ, cơ quan Trung ương, 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Sáu địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.

Đề nghị điều chuyển cán bộ sợ sai gây ách tắc vốn đầu tư công ảnh 1

Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu người đứng đầu đơn vị, địa phương kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc giải ngân đầu tư công.

Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị người đứng đầu các đơn vị, lãnh đạo địa phương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với việc thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi.

Kết quả giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu”, công điện nêu rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh.

Thủ tục thanh toán vốn đầu tư phải được thực hiện trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

“Riêng 33 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, đề nghị lãnh đạo tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

MỚI - NÓNG
Các luật mới có hiệu lực, giá nhà đất sẽ ra sao?
Các luật mới có hiệu lực, giá nhà đất sẽ ra sao?
TPO - Theo chuyên gia, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản,…chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 8, sẽ tạo ra sự đồng bộ rất lớn, đó là một cuộc chơi minh bạch cho các nhà đầu tư năng lực thật; người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn trong khi nhà nước hạn chế bị thất thoát tài sản.