Bộ trưởng VHTTDL:

Đề nghị địa phương cam kết loại bỏ lễ hội phản cảm

Thông tư mới của Bộ VHTTDL quy định rõ về việc không tổ chức lễ hội mang tính bạo lực như chém lợn, đập đầu trâu… Ảnh: Như Ý.
Thông tư mới của Bộ VHTTDL quy định rõ về việc không tổ chức lễ hội mang tính bạo lực như chém lợn, đập đầu trâu… Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 30/12, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian năm 2015, Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh kêu gọi các địa phương cam kết loại bỏ hủ tục, chấm dứt lễ hội phản cảm, bạo lực.

Nóng lại tục chém lợn

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhắc tới địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề nóng của lễ hội, trong đó có các lễ hội phản cảm và bạo lực. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên được mời phát biểu, lập tức hâm nóng không khí hội nghị về công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Đại diện Bắc Ninh nhắc lại, lễ hội Ném Thượng liên quan đến tướng Đoàn Thượng thời Lý, sau nhiều năm mai một được phục dựng từ năm 1999. Đến năm 2012, do một số tổ chức bảo vệ động vật quốc tế lên tiếng phản đối, năm sau địa phương thôi không tổ chức chém lợn giữa sân đình. Nhưng lễ hội 2015 vừa qua, các bô lão địa phương tiếp tục khôi phục, chém lợn như cũ. “Trong hội thảo hồi tháng 9 vừa rồi, người ta vẫn khẳng định đây là lễ hội truyền thống cần bảo tồn và phát huy. Đối chiếu với các văn bản như Nghị định 103, Thông tư 04 thì lễ hội này không vi phạm gì”, ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, nói.

Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, Vũ Xuân Thành đánh giá công tác tổ chức lễ hội vài năm gần đây ngày càng được quan tâm, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó còn nhiều tồn tại, trong đó vẫn có biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm Quy chế tổ chức, làm giảm giá trị của lễ hội. Hiện tượng đốt nhiều vàng mã không đúng nơi quy định, gây lãng phí, nguy cơ cháy nổ cao vẫn diễn ra ở một số nơi. Tình trạng lén lút đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch chưa chấm dứt.

Ông Hoa cũng dẫn nhiều văn bản, cuộc họp của địa phương chứng tỏ Bắc Ninh rốt ráo chỉ đạo tổ chức lễ hội Ném Thượng. Nhưng điều đáng nói là ông lại cố tình biện minh cho nhận thức đi ngược lại với xu hướng văn minh. “UNESCO công nhận sự khác biệt văn hóa”, ông Hoa nói. Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Vũ Xuân Thành sau đó phản bác, nhắc lại “UNESCO thừa nhận tính đa dạng, nhưng không thừa nhận tính bạo lực. Ngay lễ hội đấu bò tót Tây Ban Nha, UNESCO cũng đang xem xét lại. Vừa rồi, Trung Quốc vận động rất ghê cho một lễ hội, nhưng do có tính bạo lực nên không được chấp nhận”.

Trước sức ép từ công luận và Bộ VHTTDL, Bắc Ninh liệt kê nhiều động thái chỉ đạo địa phương lập kế hoạch, báo cáo phương án tổ chức lễ hội năm tới. Ông Hoa nhắc lại, Bắc Ninh có nghị quyết phân cấp quản lý lễ hội. Lễ hội Ném Thượng do UBND xã Khắc Niệm quản lý. Bộ VHTTDL cũng mời đại diện UBND xã Khắc Niệm dự hội nghị và phát biểu, nhưng đều vắng mặt. Trả lời phỏng vấn bên lề, ông Hoa nói nhận thức của cộng đồng dân cư không đồng đều. “Đa số người dân Ném Thượng vẫn cho rằng lễ hội chém lợn vẫn phù hợp phong tục tập quán”, ông nói.

Không thể tiếp tục

Nhiều nhà khoa học tại hội thảo về tục chém lợn trước đó ủng hộ quan điểm bảo tồn các lễ hội dân gian, nhưng cũng khẳng định lễ hội không phải bất biến, có thể điều chỉnh được, nhất là những thứ không còn phù hợp với xã hội đương đại. Không riêng tục chém lợn, một số lễ hội dân gian như Cướp phết, thậm chí là di sản thế giới như Hội Gióng cũng được nhắc đến vì tục cướp lộc nay nảy sinh bạo lực. Chánh Thanh tra Bộ đề nghị Hà Nội, Vĩnh Phúc nghiên cứu tục cướp lộc, cướp phết và tính toán để đảm bảo lễ hội không xảy ra bạo lực.

“Thủ tướng theo dõi rất sát, không thể để tồn tại những lễ hội phản cảm, bạo lực thế này được. Cướp phết, cướp lộc mà xô bồ thế thì sao được. Cái gì văn minh lịch sự thì giữ lại, hủ tục thì phải thôi chứ. Tôi hy vọng năm tới không còn phải nghe về các lễ hội phản cảm nữa, các địa phương có cam kết được không”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kêu gọi. Bộ trưởng không quên nhắc đến tỉnh Phú Thọ với tục đập đầu trâu, sau cuộc làm việc với địa phương trước đó, hy vọng có chuyển biến trong mùa lễ hội 2016.

Trước lý luận của đại diện Bắc Ninh về lễ hội chém lợn không vi phạm quy định pháp luật, Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ 5/2/2016 được kỳ vọng là công cụ đắc lực trong chấn chỉnh các hoạt động lễ hội. Cụ thể, trong điều 4 yêu cầu về nội dung lễ hội, Thông tư chỉ rõ: “Nghi lễ được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp”.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nói rằng, nhiều quy định trước đó đề cập cấm yếu tố bạo lực, chẳng qua do nằm rải rác nên bây giờ được tập hợp lại trong Thông tư 15 này. “Mục đích chính vẫn phải tạo điều kiện cho công dân thực hiện đức tin, nhưng người dân phải tôn trọng pháp luật, môi trường cho người khác”, ông Thái nói. Thông tư này cũng làm rõ hơn quy định tại điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa, không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, bao gồm những hoạt động thể hiện trái truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập bạo lực; cảnh rùng rợn, mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác, mô tả các hành động tội ác khác.

Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị, ông Hoa nói thêm, trong xu thế hội nhập và nhất là Bộ chỉ đạo hạn chế tối đa, vận động bỏ bớt những thứ không phù hợp, Bắc Ninh tăng cường tuyên truyền vận động người dân. “Lễ hội là của dân, do dân tổ chức, chúng tôi mong nhận sự đồng cảm, nhiệt huyết của các cán bộ xã Khắc Niệm, làng Ném Thượng tích cực vận động người dân để đạt hiệu quả cao. Bắc Ninh vốn là địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, hẳn người dân cũng muốn gây ấn tượng hết sức tốt đẹp cho du khách xa gần”, ông Hoa nói. Mùa lễ hội tới, nếu vẫn để hình ảnh phản cảm của lễ hội chém lợn tiếp diễn, địa phương có thể phải chịu trách nhiệm cụ thể hơn, không đơn giản chỉ là cắt danh hiệu làng văn hóa của khu vực Khắc Niệm như năm nay.

Chấm điểm lễ hội: Hình thức vẫn phải làm?

Kết quả chấm điểm và xếp loại công tác tổ chức lễ hội dân gian: 8 tỉnh thành đạt loại A, 25 địa phương đạt loại B, 1 tỉnh thành đạt loại C, 29 tỉnh thành không xếp loại do địa phương không gửi báo cáo đánh giá và tự chấm điểm về Bộ. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai băn khoăn về Quyết định 486 quy định tiêu chí chấm điểm lễ hội, vì một số tiêu chí không rõ ràng. “Tôi e rằng nó mang tính phong trào và hình thức, nếu để cơ quan quản lý địa phương báo cáo chấm điểm sẽ không khách quan”, bà Uyên nói. Điểm tự chấm của địa phương là tiêu chí bắt buộc để đánh giá, xếp loại. Trong phát biểu kết luận, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói nhất định phải thực hiện, còn những điều chưa hợp lý sẽ điều chỉnh.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.