Đề nghị đảm bảo an ninh tại dự án giải tỏa khu vực Ô Chợ Dừa

Bảo vệ và công nhân của Cty Phương Bắc bị các đối tượng đánh gãy tay
Bảo vệ và công nhân của Cty Phương Bắc bị các đối tượng đánh gãy tay
TPO – Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội vừa có công văn đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp với nhà thầu đảm bảo an toàn cho nhân dân, an ninh trật tự khu vực.

> Ngang nhiên vào công trường liên tục đánh người

Bảo vệ và công nhân của Cty Phương Bắc bị các đối tượng đánh gãy tay
Bảo vệ và công nhân của Cty Phương Bắc bị các đối tượng đánh gãy tay.

Việc phá dỡ phải có biện pháp thi công, đảm bảo an toàn

Liên quan đến việc nhiều đối tượng gây rối trật tự, đánh người gây thương tích tại dự án xây dựng đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (BQL các DATĐPTĐT Hà Nội) vừa có công văn đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp giải quyết triệt để.

Cụ thể, tại công văn số 127/MPMU-DAI-8H của BQL các DATĐPTĐT Hà Nội gửi tới Ban chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội, UBND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa, Ban bồi thường GPMB quận Đống Đa ghi rõ: Theo phản ánh của nhà thầu – Công ty cổ phần tập đoàn Phương Bắc (Cty Phương Bắc), trong quá trình triển khai phá dỡ đã gặp nhiều cản trở do nhiều phần tử xã hội tự ý đưa người và phương tiện đến gây rối, phá hoại, chiếm đoạt tài sản, gây cản trở làm chậm tiến độ thi công phá dỡ công trình.

Theo BQL các DATĐPTĐT Hà Nội, việc phản ánh trên là đúng và thực tế các đối tượng này phá dỡ chỉ lấy thép, bỏ lại xác nhà (các bức tường cao chênh vênh, phế thải xây dựng chất cao vài mét…), không có biện pháp thi công phá dỡ cả những hộ chưa bàn giao mặt bằng còn có người, rất nguy hiểm cho các hộ dân lân cận cũng như người dân xung quanh khu vực đó (có thể dẫn đến tai nạn chết người).

Căn cứ vào tình hình trên và thực tế hiện trường BQL đã có các văn bản báo cáo UBND quận Đống Đa, Công an quận để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, an toàn cho người dân, nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn vào tối ngày 7/5.

Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB của UBND quận Đống Đa cho các hộ dân, tại điều 2 có ghi: “Ông (bà) phải chấp hành quyết định của UBND quận Đống Đa, tự phá dỡ, di chuyển, bàn giao mặt bằng cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC quận để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu). Thời gian phá dỡ, di chuyển, bàn giao mặt bằng chậm nhất không quá 20 ngày kể từ ngày được nhận thông báo của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và TĐC”.

Một số đối tượng xã hội căn cứ quyết định đó đã gây cản trở việc phá dỡ, thu hồi măt bằng đã gửi quyết định tới công an phường Ô Chợ Dừa và đề nghị được phá dỡ.

Công văn của BQL các DATĐPT Hà Nội gửi tới UBND quận Đống Đa đề nghị phối hợp giải quyết triệt để vụ việc
Công văn của BQL các DATĐPTĐT Hà Nội gửi tới UBND quận Đống Đa đề nghị phối hợp giải quyết triệt để vụ việc.

Theo BQL các DATĐPTĐT Hà Nội, thực tế tại dự án trên, toàn bộ các nhà dân trong khu vực đô thị đều là nhà cao tầng, tường sát tường, khi phá dỡ nếu không có biện pháp thi công sẽ ảnh hưởng đến nhau, gây hư hỏng nhà bên cạnh, thậm chí dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Các hộ dân không đủ điều kiện để phá dỡ nhà cao tầng. Mặt khác, BQL đã bồi thường, đền bù cho các hộ dân, do vậy, tài sản trên là của nhà nước, các hộ dân chỉ di dời phần tài sản đang sử dụng không được phép phá dỡ, thu hồi mặt bằng.

Dự án đã phải bố trí vốn để thuê nhà thầu phá dỡ mặt bằng, BQL đã ký hợp đồng với nhà thầu Cty Phương Bắc để thực hiện công việc trên với các thủ tục pháp lý được UBND thành phố và các Sở ngành phê duyệt việc phá dỡ phải có biện pháp thi công, đảm bảo an toàn, thu hồi vật liệu (nếu có) để hoàn trả ngân sách nhà nước.

Từ thực tế trên, BQL các DATĐPTĐT Hà Nội đề nghị UBND Đống Đa có văn bản thông báo điều chỉnh bỏ nội dung “tự phá dỡ” tại Điều 2 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và chỉ đạo các đơn vị của quận phối hợp với nhà thầu đảm bảo an toàn cho nhân dân, an ninh trật tự khu vực.

Quận Đống Đa lên tiếng

Về việc này, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, khi phê duyệt quyết định phương án cho các hộ dân, theo quy định của luật, các hộ dân phải tự phá dỡ, bàn giao mặt bằng. Quyết định có thời hạn trong vòng 20 ngày. Quyết định này ra đầu tiên, trước khi BQL các DATĐPTĐT Hà Nội (chủ đầu tư) ký hợp đồng với Cty Phương Bắc.

Sau thời điểm người dân không tự phá dỡ bàn giao thì người dân có thể ký văn bản bàn giao với chủ đầu tư là BQL các DATĐPTĐT Hà Nội, lúc đó chủ đầu tư có trách nhiệm phá dỡ. Do các hộ dân không thực hiện đúng tiến độ nên mới xảy ra việc mâu thuẫn, xô xát khi các công nhân của Cty Phương Bắc đến giải tỏa.

“Chúng tôi đã giao công an quận và công an quận đã bố trí lực lượng để giải quyết vụ việc.” – ông Trung cho biết.

Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng công an quận Đống Đa cũng cho biết, ngày 9/5, tại khu vực giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa xảy ra vụ cố ý gây thương tích.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, phát hiện và đưa về trụ sở công an một số đối tượng liên quan để làm rõ gồm Đào Văn Phú, SN 1990, trú quán tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; Nghiêm Xuân Giang, SN 1984, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và bà Nguyễn Tuấn Dung, SN 1961, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Cơ quan CSĐT - CAQ Đống Đa đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Đào Văn Phú can tội cố ý gây thương tích.

Theo Trưởng Công an quận Đống Đa, nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do mâu thuẫn nảy sinh từ tranh chấp trong việc phá dỡ GPMB khu vực xây dựng Dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Cụ thể, Bà Dung được gần 20 hộ gia đình nằm trong diện GPMB thuê phá dỡ công trình. Bà Dung đã thuê Đào Văn Phú làm bảo vệ khu vực phá dỡ GPMB với các nhiệm vụ trông coi máy xúc và không cho đối tượng khác vào thu hồi phế liệu. Trong khi thực hiện nhiệm vụ bà Dung giao, giữa Phú với một số công nhân do bà Dung thuê phá dỡ GPMB nảy sinh mâu thuẫn với một số công nhân của Cty Phương Bắc.

Sau khi vụ việc xảy ra, Quận ủy Đống Đa đã tổ chức rút kinh nghiệm giữa các đơn vị quản lý liên quan và tình hình đã ổn định trở lại để người dân an tâm tháo dỡ công trình.

Theo ông Đàm Văn Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Phương Bắc, các đối tượng trên có liên quan đến vụ tấn công ông ở tiệm gội đầu số 2 Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, Ba Đình) tối 8/5 khiến ông phải nhập viện cấp cứu.

Tuy nhiên, theo một cán bộ điều tra CAQ Đống Đa, hiện chưa có chứng cứ nào cho thấy các đối tượng tấn công ông Long có liên quan đến việc phá dỡ dự án Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.