Theo ông Hùng, Hải Vân Quan do nằm giữa vị trí giáp ranh giữa hai địa phương nên việc quản lý di tích này chưa được chú trọng. Công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này đang ngày càng xuống cấp và bị xâm hại nặng nề. Trước tình hình đó, hai sở đã cùng ngồi lại với nhau và thống nhất phối hợp làm chung bộ hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia cho Hải Vân Quan.
Sau khi được công nhận, dựa trên Luật Di sản văn hóa hai bên sẽ cùng tiến hành bảo vệ, phục hồi, tu bổ, tái tạo… những công trình xây dựng, công trình phòng thủ, lối đi đã xuống cấp góp phần phát huy giá trị của Hải Vân Quan. Kế hoạch chung sẽ phấn đấu hoàn thành việc công nhận di tích này vào giữa năm 2017. Sau khi được công nhận, hai địa phương sẽ có những hành động cụ thể như: cử người phối hợp bảo vệ, cắt cử hướng dẫn viên để hướng dẫn du khách tham quan...
Đây không phải là lần đầu tiên có hai địa phương cùng đề xuất một di tích quốc gia như vậy. Trước đó, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng đã cùng đề xuất lập hồ sơ công nhận di tích quốc gia cho Hoành Sơn Quan...