Tiếp tục kỳ họp Quốc hội, chiều 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Ngân sách nhà nước. Theo đánh giá của Ủy ban này, trong năm 2020, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giảm tỷ lệ chi thường xuyên gắn với cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm nhiều nhiệm vụ chi không cần thiết.
Trong đó có việc tạm dừng thực hiện mức tăng tiền lương cơ sở từ 1/7/2020, nhằm tập trung nguồn lực cho việc phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ cho người lao động, người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của đại dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm 2020 còn cao, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay.
Liên quan đến việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù có mức thu nhập tăng thêm từ 1,8 - 3 lần so với mặt bằng chung, tạo ra sự bất hợp lý và không công bằng trong phân phối thu nhập; một số cơ quan có nguồn kinh phí còn dư khá cao, có dư địa bố trí bổ sung dự toán chi năm 2021.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu tiết kiệm giảm tối thiểu 20-25% so với dự toán chi năm 2020; đồng thời, có cơ chế kiểm soát thu nhập tăng thêm không quá 50% mức tiền lương ngạch, bậc theo quy định hiện hành để bảo đảm công bằng hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Một trong những điểm đáng chú ý khác được Chính phủ đề nghị là chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến Ủy ban cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Ủy ban thẩm tra nhận thấy, trong năm 2020, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã cho phép loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương. Việc sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cũng đã có một số nhiệm vụ chi cụ thể, do đó cơ quan thẩm tra thống nhất với đề nghị của Chính phủ.
Cơ sở của dự báo tăng trưởng 6,5 - 7% giai đoạn 2021-2025
Liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia năm 2021-2025, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ.
Trong đó, về thu ngân sách, để bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu kế hoạch, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về cơ sở của dự báo mức tăng trưởng 6,5 - 7% giai đoạn 2021-2025, về đề xuất tổng thu ngân sách cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng và chỉ tiêu tăng thu nội địa bình quân khoảng 8,8%/năm.
“Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước khoảng 15-16% GDP điều chỉnh là thấp hơn so với giai đoạn 2016-2020, không bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi và sẽ làm tăng bội chi của giai đoạn 2021-2025”, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc tính toán phù hợp hơn.
Về mức chi, do tình hình cân đối ngân sách còn khó khăn trong giai đoạn tới, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ kiên quyết siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính. Thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tiết giảm mạnh chi thường xuyên, phấn đấu đạt khoảng 61% tổng chi ngân sách nhà nước đến năm 2025.
“Có ý kiến đề nghị Chính phủ dự báo khả năng cân đối chắc chắn nguồn lực để xác định lộ trình hợp lý thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27/NQ-TW”, ông Nguyễn Đức Hải cho hay.