Đề nghị cấm mua chuộc đại biểu bằng 'lợi ích phi vật chất' khi lấy phiếu tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung quy định cấm hứa tặng lợi ích phi vật chất như bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học để vận động, lôi kéo, mua chuộc, tác động đến đại biểu Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Chiều 9/6, thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm.

Dẫn khoản 2, Điều 8 trong dự thảo Nghị quyết quy định “nghiêm cấm sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc, tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”, bà Hoa nhận xét “chưa đầy đủ”. Từ đó, bà đề nghị bổ sung vào khoản này cụm từ "hoặc lợi ích phi vật chất".

Đề nghị cấm mua chuộc đại biểu bằng 'lợi ích phi vật chất' khi lấy phiếu tín nhiệm ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Như Ý

Tham khảo Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, bà Hoa cho biết, lợi ích phi vật chất như tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng, bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hứa hẹn cho đi học.

Đề cập đến căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị rà soát, làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Việc xác định quan hệ cha, mẹ, con có các trường hợp con đẻ, con nuôi, con trước thời kỳ hôn nhân nhưng được thừa nhận, trường hợp con chưa thành niên, con đủ 18 tuổi. Với mỗi trường hợp này đều có những hệ quả pháp lý khác nhau trong những quy định cụ thể”, bà Nga cho biết.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật, làm căn cứ đánh giá thì cần có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để tránh việc lợi dụng các yếu tố vi phạm cá nhân của người thân để làm giảm uy tín của họ trong việc đảm nhiệm các chức vụ được giao.

Trước các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết “sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để tiếp thu”.

Theo bà Thanh, dự thảo Nghị quyết được trình lần này đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc, rõ mức độ trong công tác đánh giá và xử lý cán bộ. Quy định này cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng liên thông với Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực và uy tín giảm sút.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.