Đặc biệt, chất vấn sẽ giúp các đại biểu có thêm thông tin để theo dõi, giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người trả lời chất vấn khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, dự kiến vào tháng 10 tới. Phiên chất vấn, giúp đại biểu có thêm kênh thông tin để theo dõi, giám sát; từ đó đưa ra các quyết định chính xác, công tâm, khách quan trong đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp” đối với các chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Với ý nghĩa đó, phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ (từ 6 đến 8/6) về 4 nhóm vấn đề, gồm: lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; lĩnh vực dân tộc; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực giao thông vận tải được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm, chờ đợi. Trong 4 nhóm vấn đề trên, hiện có những lĩnh vực gây ra nhiều trở ngại cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, như đăng kiểm, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng lao động thất nghiệp, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; hay việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học cũng cho thấy những hạn chế, bất cập, nhất sau đề tài nghiên cứu khoa học kit test COVID-19 (liên quan đến Cty Việt Á) cũng là vấn đề gây nhiều lo lắng, bức xúc, trăn trở…
Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày càng đổi mới. Câu hỏi đặt ra trong phiên chất vấn sát “hơi thở cuộc sống” hơn, rút ngắn khoảng cách giữa trong và ngoài phòng họp. Vậy nên, 2,5 ngày cho phiên chất vấn cho 4 tư lệnh ngành và phó thủ tướng chính phủ là nội dung rất quan trọng trong chương trình kỳ họp. Điều quan trọng là vấn đề được hỏi và câu trả lời có đúng, trúng, có thực sự làm thỏa mãn đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm không?
Theo nội quy kỳ họp, trong phiên chất vấn, đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút còn trả lời không quá 3 phút. Thời gian ngắn, do đó nếu đại biểu sa vào “kính thưa, kính gửi”, trình bày dài dòng, hoàn toàn có nguy cơ: hết giờ mà không nêu ra được câu hỏi. Ngược lại, nếu các tư lệnh ngành “lòng vòng”, thì cũng thật khó để có câu trả lời chính xác cho thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp ở đâu.
Trong bối cảnh tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm, thậm chí không dám nói, không dám tham mưu đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Hơn lúc nào hết, cử tri và nhân dân rất chờ đợi tinh thần dám nói từ các đại biểu và hành động dám quyết, dám làm, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, “lòng vòng” từ những người ngồi “ghế nóng”.