> Khởi tố 10 cán bộ ngân hàng NN&PTNT chi nhánh BR-VT
> Việt Nam tham dự Hội nghị các quốc gia về chống tham nhũng
Tài sản tăng nhanh bất thường sẽ phải chứng minh tính hợp pháp. Ảnh: Xuân Phú. |
Báo cáo với UBTVQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Khoảng 40-50% số tỉnh đề nghị giao cho bí thư tỉnh ủy, hoặc chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo PCTN, thay vì Chủ tịch UBND tỉnh để tăng hiệu quả.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định, cơ chế chính sách PCTN hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có hiệu quả cao kể cả những biện pháp kiểm soát tài sản, luân chuyển vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhưng chỉ kiến nghị xử lý hành chính, có vụ hàng trăm ha đất cũng chỉ rút kinh nghiệm. Số vụ chuyển cơ quan điều tra truy tố là rất ít.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo, sơ hở, gây khó khăn cho việc thực hiện nhưng chậm được sửa đổi. Theo Ủy ban Tư pháp, mặc dù đã được kiện toàn ở các cấp, nhưng hiệu quả ban chỉ đạo PCTN chưa cao, nhất là ở cấp tỉnh và các cơ quan chuyên trách PCTN.
Về đề nghị thí điểm thay đổi trưởng ban chỉ đạo PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần có những lập luận xác đáng. “Cần đánh giá ban chỉ đạo hiện nay, với cơ chế trưởng ban đồng thời là thủ trưởng cơ quan hành chính thì có hiệu quả thế nào. Nếu thí điểm thì phải có một đề án cụ thể về việc này”- Ông Lý nói.
“Phải đánh giá đúng về bộ máy ban chỉ đạo hiện nay đã hoạt động tốt chưa? Nếu chưa tốt, cần phải làm gì để tốt hơn trong năm sau và các năm tiếp theo. Phải phân tích rõ, có tờ trình, đánh giá riêng về vấn đề này. Cần đánh giá đúng thực trạng tham nhũng, công tác PCTN hiện nay để Quốc hội có cơ sở tập trung thảo luận về các giải pháp” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Tài sản tăng bất thường phải chứng minh
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, Báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện đầy đủ bức tranh tham nhũng. Căn bệnh tham nhũng sẽ nhờn thuốc, nếu không có các biện pháp mạnh hơn. Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, còn tình trạng kiến nghị xử lý tài sản vi phạm nửa vời, kết quả thực hiện thế nào không rõ.
Có những vụ việc, số tiền vi phạm lên đến 11.400 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được 300 tỷ đồng, chỉ bằng 2,6%! Không ít trường hợp người tố cáo tham nhũng được vinh danh, nhưng sau đó chính họ lại bị trả thù mà không được ai bảo vệ.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần chỉ rõ tại sao luật đã quy định mà người tố cáo tham nhũng vẫn không được bảo vệ. Bên cạnh đó, phải xem xét qui định về công khai tài sản, cần có cơ chế chứng minh về tài sản gia tăng bất thường và phải có giải pháp cụ thể.
“Chính phủ nhận định năm 2011 số vụ, số đối tượng giảm nhưng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp. Phải chăng do các cơ quan chức năng của chúng ta không phát hiện được, hay do lơi lỏng. Trong khi đó, chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, việc kê khai chủ yếu dựa vào tự giác” - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhìn nhận.
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Năm 2011, qua 5.950 cuộc thanh tra hành chính, hơn 44 nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm 4.585 tỷ đồng, 1.972 ha đất đai. Trong đó, Thanh tra kiến nghị thu hồi 1.476 tỷ đồng, 1.937 ha đất, xử lý 275 tập thể, 766 cá nhân vi phạm. |