Để lãnh đạo biết sợ dân

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
TP - Trao đổi với Tiền Phong xung quanh câu chuyện xây dựng chính quyền đô thị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho rằng phải có cơ chế giám sát hữu hiệu cho phép người dân thực hiện quyền trừng phạt, để lãnh đạo biết sợ dân.

> Phát biểu của Tổng bí thư tại Hội nghị triển khai nghị quyết T.Ư 4

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện .
 

Một số thành phố lớn đề xuất xây dựng chính quyền đô thị. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc Việt Nam phải đặt vấn đề xây dựng mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế xã hội đã có những bước phát triển đến một trình độ nhất định, từ đó cơ cấu dân số, cơ cấu vùng miền cũng đang thay đổi nhanh chóng.

Theo ông, mô hình chính quyền đô thị phải đảm bảo những đặc trưng nào?

Ba đặc trưng chính từ quá trình hình thành, vận hành và cơ chế giám sát quyền lực. Về sự hình thành thì phải làm sao tạo điều kiện cho tiếng nói của người dân thực sự có ảnh hưởng đến những quyết sách phát triển. Mô hình chính quyền đô thị tích cực phải tạo điều kiện cho người dân có được tiếng nói trực tiếp quyết định.

Cụ thể hơn sẽ là rất tốt nếu trong các mô hình chính quyền đô thị tổ chức bầu cử trực tiếp các vị trí lãnh đạo cơ quan quản lý. Chủ tịch hay Thị trưởng chỉ là tên gọi, cái quan trọng là người dân được trực tiếp bầu ra, khi đó tiếng nói của họ mới thực sự có ảnh hưởng. Tôi nghĩ việc này là hoàn toàn khả thi và suy cho cùng không trái với những điều chúng ta đang xây dựng.

Điều thứ hai, trong quá trình vận hành chính quyền đô thị, với điều kiện nhận thức chính trị của người dân tốt và người dân có khả năng thì phải có cơ hội để được chủ động tham gia mạnh mẽ vào đời sống chính trị. Như vậy là phải có một cơ chế giao tiếp trực tiếp giữa chính quyền, đối thoại trực tiếp với người dân.

Thứ ba, là cơ chế giám sát. Đó là một cơ chế giám sát trên cơ sở tận dụng quyền của người dân, sức ép của người dân trong việc phán xét, đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc của người mà mình đã bầu vào các chức vụ trong bộ máy quản lý. Như vậy phải tạo điều kiện để cho người dân có quyền phán xét một cách hữu hiệu.

Chắc không thể chỉ dừng lại ở chuyện phán xét, thưa ông?

Điều tôi nhấn mạnh là chúng ta phải suy nghĩ về những cơ chế để cho người lãnh đạo phải biết sợ dân. Người dân trong các trường hợp không đồng tình với những quyết định sai trái của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước thì họ phải có quyền trừng phạt một khi đã góp ý mà người đứng đầu không tiếp thu.

Chính quyền đô thị cũng phải có một loạt các quy định cho phép người dân ít nhất là qua đại biểu dân cử, qua Hội đồng nhân dân có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với vị trí quản lý trong cơ quan hành chính. Một khi kết quả bỏ phiếu là mất tín nhiệm thì người đó phải ra đi.

Thực tế, cơ quan đại diện dân cử, mà ở đây là Hội đồng nhân dân của chúng ta vẫn chưa tỏ rõ được sức mạnh…

Có chuyện đó một phần vì tính chuyên nghiệp của các đại biểu dân cử chưa cao. Nhưng ngay từ bây giờ nếu chúng ta xây dựng chính quyền đô thị thì cũng phải cân nhắc một tỷ lệ tối thiểu đại biểu chuyên nghiệp, rồi đến một lúc nào đó đại biểu dân cử phải chuyên nghiệp thực sự thì khi đó mới có những đối trọng thực sự để kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Một khi chúng ta đã thừa nhận một cấp chính quyền thì cấp đó phải hoàn chỉnh theo nguyên tắc phân chia quyền lực, phải tăng cường quyền lực của cơ quan đại diện dân cử để tạo đối trọng với cơ quan quản lý. Nếu không, người dân khi đối mặt với chính quyền sẽ đơn thương độc mã và rất khó bảo vệ được những quyền lợi chính đáng của mình.

Cao Nhật - Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG