Để lái xe đo chiều cao, cân nặng bệnh nhân là sai luật

Để lái xe đo chiều cao, cân nặng bệnh nhân là sai luật
TP - Sáng 10/9, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TPHCM làm việc với PV Tiền Phong sau loạt bài “Khi kỹ thuật viên chẩn bệnh thay bác sĩ” và “Bệnh nhân “ma” ở Bệnh viện Bưu Điện TPHCM”.

> Bệnh nhân 'ma' ở Bệnh viện Bưu điện TPHCM

Bác sĩ Trương Anh Kiệt- Giám đốc bệnh viện này nói đã yêu cầu các khoa, phòng chấn chỉnh lại hoạt động và kiểm tra vấn đề báo nêu.

Nói về kỹ thuật viên Bùi Lương Hiền đọc và ký tên vào kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung, ông Kiệt cho biết, kỹ thuật viên xét nghiệm có nhiệm vụ đầu tiên là “thực hiện các xét nghiệm được phân công” và theo ông thì “kỹ thuật viên phải giải thích được nguyên lý và cơ chế của các xét nghiệm thông thường; chỉ đạo được việc thực hiện các xét nghiệm hàng loạt tại cộng đồng; thực hiện được những biện pháp đảm bảo chất lượng và kiểm tra chất lượng xét nghiệm”.

Theo ông Kiệt, kỹ thuật viên mà báo nêu đã tốt nghiệp hệ chính quy ngành xét nghiệm, có 20 năm kinh nghiệm, được đào tạo thực hiện kỹ thuật xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Từ Dũ, Đại học Y- Dược TPHCM.

Tuy nhiên, theo TS-BS Bùi Minh Trạng, chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, hành nghề là phải làm theo Luật Khám Chữa bệnh, dù đào tạo ở đâu cũng phải có chứng chỉ hành nghề, không có thành phần nào thay được bác sĩ chẩn bệnh. “Kỹ thuật viên thậm chí có học lên tiến sĩ thì cũng là người phụ việc cho bác sĩ mà thôi vì luật yêu cầu những xét nghiệm này phải do bác sĩ đọc, ký tên và chịu trách nhiệm”- ông Trạng nói. Một bác sĩ đầu ngành giải phẫu bệnh học ở TPHCM cũng khẳng định: “Kỹ thuật viên không được đọc và ký vào kết quả”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bác sĩ Kiệt nói nhân viên lái xe Phan Hồng Chí đo chiều cao, cân nặng là do “bệnh viện nhận thấy công việc phụ giúp đo chiều cao, cân nặng không cần trình độ điều dưỡng hoặc bác sĩ, chỉ cần viên chức am hiểu, nhiệt tình, tích cực, cẩn thận, biết sử dụng máy tính và có sự hướng dẫn của điều dưỡng bác sĩ là làm tốt”. Bác sĩ Trạng thì cho rằng, làm như vậy là sai.

“Nhân viên lái xe thì không thể làm việc này. Bởi ở ngoài đường, một người đẩy xe bán dạo cũng làm được nhưng ở trong bệnh viện chỉ số cân đo, nặng nhẹ sẽ giúp bác sĩ đánh giá thể trạng, kê toa dùng thuốc nên phải là nhân viên y tế mới làm được. Nhân viên lái xe, hành chính cũng đo chiều cao, cân nặng được nhưng theo pháp lý thì không thể”- bác sĩ này nói.

Về bài báo “Bệnh nhân “ma” ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện”, bác sĩ Kiệt cho biết, ở Khoa Đông y có bệnh nhân nằm nhưng do tiết kiệm và để thuận tiện trong chăm sóc nên lãnh đạo bệnh viện này đưa bệnh nhân lên khoa khác nằm, có bác sĩ trực tiếp theo dõi. “Thậm chí Khoa Sản cũng có bệnh nhân của khoa Nội Thần kinh”- bác sĩ Kiệt nói. Theo bác sĩ này, lâu nay bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn ISO nên quản lý bệnh nội trú và ngoại trú cẩn thận. “Hiện chúng tôi đã yêu cầu người phụ trách các khoa báo cáo về số lượng bệnh nhân nội trú và kiểm tra chấn chỉnh”- đại diện bệnh viện thông tin.

Về thông tin: Có khoa không có giường bệnh hoặc số giường thực kê ít nhưng lượng lớn bệnh nhân vẫn có hồ sơ nằm điều trị, bác sĩ Kiệt nói: “Ngoài việc chia bệnh nhân ra các khoa nằm, nếu nhiều bệnh nhân thì ra thuê khách sạn cho họ nằm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG