​Giải cứu nông sản đến bao giờ?

Để không còn điệp khúc 'được mùa mất giá'

Giải cứu củ cải. Ảnh: IT.
Giải cứu củ cải. Ảnh: IT.
TP - Chiều 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sau 14 năm thi hành Pháp lệnh giống cây trồng, Nghị định về quản lý phân bón và các quy định của pháp luật có liên quan đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Việc ban hành Luật Trồng trọt lần này nhăm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng tình với việc cần ban hành luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đến vai trò cũng như tầm quan trọng của vấn đề dự báo thị trường, tìm sản phẩm đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. “Cứ chạy theo, đầu ra không ổn định thì đời sống bà con bấp bênh. Năm nào cũng thấy hiện tượng được mùa mất giá, giải cứu nọ, giải cứu kia”, ông Tỵ nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mong muốn lớn nhất của người dân là giúp họ có thị trường, có đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Giàu, đây là “bài ca” từ rất lâu và cũng rất khó giải quyết. Đề cập trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề, nếu người nông dân đã thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng rủi ro vẫn xảy ra, người dân vẫn lâm vào tình cảnh được mùa mất giá thì ai gánh chịu?

Theo ông Giàu, luật phải quy định cả hai vế, trong đó có cả trách nhiệm về quy hoạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, cũng theo ông Giàu, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành như dự thảo chưa rõ, lại chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của địa phương. Theo ông Giàu, việc này cần phải lấy ý kiến rộng rãi, xem có được sự đồng thuận hay không.

MỚI - NÓNG