Không hề, nhất là với ai còn nuôi giữ được sự trân trọng Tết cổ truyền, cảm giác bồi hồi khi Xuân đến, biết "để dành" thì khoảnh khắc sang năm mới sẽ thiêng liêng.
Tuần tự, tự nhiên, rồi Tết theo mùa Xuân năm nào cũng đến. Năm tăng số theo lịch đại, năm mở ra tờ đầu tiên lịch đỏ, mà Xuân không già cỗi bao giờ.
Cực hiếm cho công dân toàn cầu thời đại này vì nghìn năm mới có 1 ngày nhiều số 2 như thế. Ngày 2 tháng 2 năm 2022 dương lịch là mồng 2 tháng cùng tên năm Nhâm Dần. Thật thú vị khi là người Á Đông dùng song lịch Dương - Âm, như thế có hai tháng Chạp, hai lần Xuân vậy.
Ừ, cứ tưởng tượng thế đi, dù chỉ được sinh ra để sống một kiếp này với cái tên, hình hài, nhân dạng này. Vẫn biết đời người chỉ một lần trẻ, Tết đến tự khắc mọi sự vật đều tăng thêm tuổi, vẫn có hồi ức đồng hiện không chỉ bữa cơm cuối cùng của năm được coi trọng nhất, mà hoài niệm sống động bất cứ lúc nào khi ta nhớ người thân, nhớ kỉ niệm buồn vui và ập ùa lúc tháng Chạp. Tết đến Xuân về, quy luật vận hành thân thuộc mà cứ mới. Bận nhất là tháng 12. Mọi kế hoạch, việc định / phải làm dồn về cữ cuối năm. Hối hả túi bụi tất tả tíu tít cuống cuồng cũng không hết việc. Năm hết chuyển năm mới mà vẫn còn... ở cuối năm vì ta còn... tháng Chạp. May còn tháng Chạp để chuẩn bị cho Xuân mới, Tết về.
"Mẹ ơi, mẹ chuẩn bị Tết đến đâu rồi? Con rất nhớ những năm con nhỏ hay khi con học trường Y, mẹ tích cóp gạo, đỗ xanh, hạt tiêu, măng, bóng cho ngày Tết"... Những dòng chữ của bác sĩ Vi Kiến Cương từ thành phố Hồ Chí Minh đều đặn hàng tháng dán tem, thư đầu Chạp nào cũng có dòng thăm hỏi ấy. Chú tôi vào Nam định cư từ 1993, rất thương bà tôi cả đời xa chồng, góa bụa khi chưa tuổi 50, gày gò vất vả, lúc nào cũng ăn nhịn để dành cho 4 đứa con ăn học. Năm nào chú cũng hỏi thăm thế, dù sau này kinh tế khá lên, mẹ tôi là dâu trưởng lo sắm sửa, mọi thứ dễ dàng mua, thì bà nội vẫn nhắc câu: "Mua... để dành đến Tết". Mắt kém, thay thủy tinh thể mà vẫn mờ chữ, nước mắt nhớ con và thời nghèo túng đầm ấm sum vầy rơi nhòa kính lúp bà tôi. Bà vẫn vuốt phẳng từng túi nilon kê dưới chiếu, giữ mấy hộp phim nhựa Orwo của Đức mà bố tôi cho bà để đựng kim chỉ, ảnh ngày xua dù hộp han và đã thêm nhiều hộp sắt tây bán ngoại rất đẹp chất góc phòng. Vắng bà 11 Tết rồi, tôi vẫn dành dụm hơi ấm bà trong áo len ngày Tết.
Người già sống bằng kí ức. Còn tôi quý kí ức thơ ấu từ tuổi 20. Kí ức về những cái Tết đông đủ người thân, ruột thịt, Tết được rửa lá dong trông nồi bánh nuôi tôi hay tôi nuôi kỉ niệm cho mình và con mình đón tương lai phía trước. Tết và Xuân hằng đúng hẹn và đem theo nhiều tươi mới; chỉ có con người già đi không phải tại tuổi tăng, mà do để mình chai sạn, ỳ, trơ...
Náo nức đi, để trẻ hóa mình, không phải phòng tập, collagen, kem dưỡng da hay cấy tế bào gốc để ghì chậm lão hóa đâu. Trước khi tắm gội lá mùi thơm ngày Tất niên, cùng với dọn sạch cửa nhà cho sáng đẹp, trang hoàng ánh sáng, cây hoa, hãy dọn tinh thần mình thanh sạch. Không gì chán tẻ hơn cảnh nghèo quẩn tâm hồn, tinh thần tù túng xác xơ. Cảm hứng sống thú vị không thể tách rời lãng mạn. Nhờ biết, còn giữ rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, sắc diện mùa, rưng rưng vì bản nhạc hay, mỉm cười khi nụ hoa hé cánh chờ gió đưa hương chờ môi người chạm lướt, mà nhịp thời gian trong hành trình sống trở nên lôi cuốn, đáng được chờ. Một cuộc sống quay cuồng: ăn nhanh, nói nhanh, làm nhanh, mọi dịch vụ nhanh, càng cuối năm hối thúc càng quý giá biết bao, càng thèm làm sao được sống chậm. Hình như trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều khát khao phút thư thái yên tĩnh hoàn toàn ấy, nên ai cũng cố tăng tốc cật lực kì áp Tết để "hết nợ", không đọng dồn việc qua năm, đón năm mới nhẹ nhàng thanh thản.
Cuộc tăng tốc cao điểm nước rút ấy, vô hình trung, nói ra hay không, vẫn là sự tích lũy, để dành. Bận rộn cả năm, việc không hết thì đành... sau Tết làm tiếp, chứ Tết là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, thăm nhau, cố gắng khỏa bù chu đáo với người sống và người đã khuất. Dù dễ gọi dịch vụ đi chợ hộ mọi mặt hàng, mua hoa qua mạng... song mức sống của bất cứ gia đình vùng miền, đô thị nào đều phản ánh sinh động qua sức mua, không khí Tết tại hiện thực phiên chợ Tết. Mua online, mua đồ đông lạnh siêu thị làm sao có tiệc giác quan. Thính giác không được nghe, giao lưu. Khứu giác vị giác bị "quên" vì không nếm, ngửi.
Xuân là sức sống, sinh sôi, là mới mẻ. Nên nghe ABBA hát Happy New Year làm sao dừng xao động. Champagne vẫn bật nút trên trong hợp âm lời chúc lâng bay. Cả nhân loại chộn rộn niềm vui luân lưu khi xem hình ảnh pháo hoa mừng năm mới khắp hành tinh. Chưa khi nào lòng nhân nghĩa, sẻ chia, tương thân tương ái, cùng chung sức trước thềm năm mới của nhân loại như năm 2022 đầy thử thách mà cũng lắm thay đổi - thời cơ này!
Đón Tết là sắm sanh, đợi Tết sẽ để dành. Đâu chỉ dụm dành vật chất. Để dành tình cảm quý báu cho kí ức là hành lý di chuyển đến tương lai. Để dành hy vọng và lạc quan tự tiếp sức cho mình, cổ vũ đồng bào đồng loại cùng vượt qua bão táp và chiến thắng. Để dành trinh bạch tâm trí, suy tưởng, tâm hồn tươi xanh đón bình minh thứ nhất. Để dành những tốt lành đẹp đẽ trong sáng chân thành vào lời chúc trao nhau năng lượng tốt lành. Để dành hồi hộp, mộng mơ, sự bình lặng dịu dàng chăm hoa, chăm ngôi nhà và trang điểm không gian sống quanh mình khiến tất cả mang sinh lực mới. Để dành mắt sáng trong nhìn thế giới vô vàn đáng sống và xây đắp. Để dành đôi môi thơm cho lời ngọt ngào mang muôn nụ hôn cho tình yêu không riêng gì đôi lứa. Để dành một nhan sắc cho tuổi hồn thanh xuân...
Để dành tất cả giác quan và từng mơ ước nhỏ bé bay lên mênh mang diệp lục tỏa tràn. Để dành mình cho khởi hành sáng tạo. Mọi để dành ấy hợp lưu khiến bao kì diệu xảy ra: Từ bất ngờ khi nghe những bài hát mùa Xuân không bao giờ cũ.
Minh họa: Nắng mai |
35 năm, mỗi mùa Xuân, Hạt mưa mùa Xuân (1986) của Trương Ngọc Ninh vẫn làm người nghe say đắm. Lấy chất liệu ca trù nhạc sĩ để dành một trái tim tươi trẻ đầy khát vọng cho lứa đôi và đất nước vào xuân, để dành cả niềm lạc quan và cảm xúc dâng đầy. Vượt thoát khỏi thực tại khó khăn, Trương Ngọc Ninh có một câu đặc biệt đề vào sau ca khúc "Đêm buồn - Nghĩ vui" để lưu lại cảm xúc khi hoàn thành tác phẩm. Ông mường tượng về niềm vui khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới với nhiều tích cực cho cả kinh tế lẫn âm nhạc: "Gió đưa trên cành hạt màu mưa xanh/Cười trong mắt ai, rộn ràng mùa Xuân tới/Nước non tháng ngày, mầm xanh cỏ cây/Trái tim dâng đầy, tình yêu đắm say/Ôi mùa Xuân!/Kìa những hạt mưa màu xanh vời vợi/Đất nước vào Xuân rộn rã lòng người/Nồng nàn tình yêu, trào dâng sức sống/Ôi mùa Xuân!/Mầm sống sinh sôi hoa trái cuộc đời/Lửa cháy tình yêu hẹn ước đợi chờ/Ngọt ngào hương bay, mùa Xuân đất nước/Ngát xanh chân trời hạt màu mưa xanh/Ngát xanh chân trời hạt màu mưa xanh/".