TPO - Khi bị phát hiện những người này cho biết mua giấy phép lái xe (GPLX) thông qua một số người quen qua mạng. Theo đó, chỉ cần vài trăm ngàn đồng và một chiếc hình thẻ thì lập tức 7 ngày sau sẽ có một GPLX giả như thật.
Thời gian qua, nhiều người điều khiển mô tô, ô tô sử dụng giấy phép lái xe giả bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Ðây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trung tá Ngô Đức Hoài soạn sẵn trên bàn những GPLX được làm giả. Ảnh: Tr.Định
Trao đổi với Tiền Phong, Trung tá Ngô Đức Hoài – Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Định cho biết: Khi bị phát hiện những người này khai mua GPLX thông qua một số người quen qua mạng với giá giao động từ 700.000 – 800.000 ngàn đồng đối với xe mô tô và 3 triệu đồng đối với ô tô.
“Đường dây làm giả GPLX này rất tinh vi. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn của lực lượng CSGT thì cũng dễ nhận ra. Nếu như không tra qua máy để kiểm tra số liệu thì có thể thông qua mắt thường cũng nhận ra được với một thao tác đơn giản. Khi dùng tay khảy thì những GPLX giả này sẽ bị bung ra làm 2”, Trung tá Hoài cho biết.
Những GPLX giả như thật. Ảnh: Tr.Định
Theo Trung tá Hoài, từ đầu năm 2019 đến nay lực lượng CSGT phát hiện nhiều trường hợp. Đây đa số là xe máy cũng có một số trường hợp làm giả cả bằng lái ô tô. Những trường hợp này sau khi bị phát hiện thì cũng chỉ xử phạt hành chính. Ngoài làm giả GPLX các đối tượng này còn làm giả cả hồ sơ con dấu của cơ quan chức năng.
Dẫn chứng về một trường hợp mới đây, Trung tá Hoài cho biết: Khi được hỏi giấy phép này ở đâu chị có, thì người này nói là thi ở một trung tâm. Tuy nhiên, sau khi được hỏi thi khóa nào, ngày nào và ai là Chủ tịch hội đồng thì người này ấp úng không trả lời được.
“Chúng tôi đề nghị xuống Phòng Giao thông vận tải để đối chứng thì người này mới khai thật là mua thông qua một số người. Người này khai thông qua bạn bè giới thiệu, nói là đưa 750.000 ngàn đồng và một hình thẻ thì một tuần sau sẽ có giấy phép lái xe”, Trung tá Hoài nói.
Một số trường hợp làm giả cả hồ sơ, con dấu của cơ quan chức năng. Ảnh: Tr.Định
Theo Trung tá Hoài, việc người tham gia giao thông sử dụng GPLX giả sẽ gây ra rất nhiều hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Trung tá Hoài phân tích: Trước hết, khi sử dụng những GPLX giả là những người này không được đào tạo, trang bị những kiến thức cơ bản về luật khi tham gia giao thông cả về lý thuyết lẫn thực hành.
“Khi được học, người tham gia giao thông sẽ nắm bắt được một số tình huống giả định trong lúc tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu sử dụng GPLX giả thì họ không được đào tạo bài bản. Trong quá trình đào tạo, các bộ phận chức năng sẽ xây dựng lên những sa hình trong thực tế để người được đào tạo biết khi qua địa hình đó thì cần phải làm thế nào. Nếu được học thì trong lúc tham gia giao thông sẽ an toàn hơn”, Trung tá Hoài giải thích.
Về hướng xử lý, Trung tá Hoài cho biết: Đối với chức năng của lực lượng CSGT thì thông qua công tác tuần tra kiểm soát thì mới phát hiện xử lý thôi.
“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho người dân không nên mất tiền vào những việc như thế, “tiền mất tật mang”. Chúng tôi cũng đã trao đổi với Phòng cảnh sát điều tra để họ có thêm nguồn tin, để tiến hành xác minh điều tra đường dây làm giả GPLX này.
Đồng thời, chúng tôi cũng trao đổi với Sở Giao thông vận tải để họ báo cáo Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu những chất liệu gì khác để chống làm giả”, Trung tá Hoài nói.