'Đế chế xúc xích' có tồn tại?

'Đế chế xúc xích' có tồn tại?
TP - Lợi dụng món khoái khẩu của người Đức là xúc xích, các công ty xúc xích đã thông đồng với nhau để tăng giá thịt lợn và thịt gia cầm để nâng giá thành phẩm. Hành vi này của họ đã bị Cơ quan cạnh tranh liên bang Đức (FCO) phát hiện và phạt mức tiền kỷ lục hàng trăm triệu euro.

Các hãng xúc xích đã tìm đủ mọi cách để chống lại hình phạt. Từ khi vụ việc vỡ lở, lượng tiêu thụ xúc xích giảm nhẹ những năm gần đây, nhưng người Đức vẫn là quốc gia tiêu thụ thịt nhiều với trung bình 60kg/năm/người, trong đó xúc xích và thịt chế biến chiếm khoảng một nửa số này, tương đương mỗi người ăn một cái bánh hotdog (bánh mỳ kẹp xúc xích) mỗi ngày.

Ngày 19/12, các nhà sản xuất xúc xích Đức lại kéo nhau ra tòa để chống lại khoản tiền phạt chống độc quyền cao kỷ lục trong nhiều năm qua sau khi bị buộc tội thông đồng với nhau để nâng giá thành sản phẩm. Nước Đức từng choáng váng sau khi “đế chế xúc xích” lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng. Theo FCO, đế chế này núp dưới cái tên Tập đoàn Đại Tây Dương sau khi khách sạn Hamburg tổ chức buổi họp đầu tiên để thảo luận về giá vào đầu những năm 1980.

FCO nhận thấy rằng, các công ty thường xuyên giữ liên lạc và thông đồng với nhau để buộc các nhà bán lẻ thực phẩm Đức phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm thịt lợn và gia cầm của họ. Năm 2014, FCO áp mức phạt 338 triệu euro (tương đương 400 triệu USD) đối với một loạt nhà sản xuất xúc xích Đức vì đã thông đồng với nhau trong nhiều thập kỷ để ép các nhà bán lẻ phải mua thịt lợn và thịt gia cầm với giá cao hơn.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp xúc xích đã phản công lại bằng việc khai thác những lỗ hổng pháp lý để thoát khỏi án phạt, để lại một nhóm công ty nhỏ phải chịu phạt. Trong số 22 công ty và 33 cá nhân ban đầu bị phạt tiền có cả các thương hiệu nổi tiếng như Herta, Boeklunder. Chỉ có bốn nhà sản xuất xúc xích sẽ xuất hiện tại tòa án khu vực ở Dusseldorf để phản đối khoản phạt mà họ phải chịu chung - khoảng 22,6 triệu euro. Đó là công ty Heidemark Maesterkreis, Wiesenhof, Franz Wiltmann và Ruegenwalder Muehle cùng năm vị lãnh đạo của công ty. Họ bác bỏ những cáo buộc cái gọi là “đế chế xúc xích” và từ chối trả tiền phạt. Một số công ty khác đã chấp nhận nộp phạt với mức 70 triệu euro.

Một số công ty còn lại đã sử dụng hình thức tái cơ cấu để thoát gần 240 triệu euro tiền phạt. Đây được cho là kẽ hở pháp lý, còn được gọi là “kẽ hở xúc xích” mà các công ty mẹ không phải chịu trách nhiệm nộp phạt cho công ty con nếu công ty đó không còn tồn tại. Tuy nhiên, xảo thuật pháp lý này cũng đã kết thúc vào đầu năm nay khi Đức thay đổi một số điều khoản trong luật cạnh tranh. Ông Wolfgang Ingold, giám đốc điều hành của công ty Franz Wiltmann, nói với tờ Lebensmittel Zeitung rằng, ông đã được khuyên tận dụng kẽ hở trên. Nhưng ông cho rằng, công ty của ông không có gì phải giấu giếm và ông muốn thấy điều đó được tòa án xác nhận.

Với các công ty dám ra tòa chống lại luật cạnh tranh, không phải là không có rủi ro. Trong trường hợp xấu nhất, tòa án có thể áp dụng mức phạt cao hơn nếu tin rằng bị cáo đã nói dối.

Về việc các công ty xúc xích đâm đơn ra tòa ngày 19/12, sớm nhất là đến tháng 5 năm sau, người ta mới có thể đưa ra bản cáo trạng.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.