Với việc Chủ tịch tự tử và công ty bị xóa tên khỏi sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cách đây không lâu, Keangnam Enterprises - một trong những đế chế kinh tế một thời mạnh nhất Hàn Quốc tiếp tục sự tụt dốc.
Được thành lập từ năm 1951, Keangnam Enterprises từng là một trong 20 công ty xây dựng hàng đầu nước này. Đây là công ty xây dựng của Hàn Quốc đầu tiên tiến ra thị trường quốc tế với việc thắng thầu một gói hợp đồng tại Thái Lan năm 1965. Sau đó, công ty tiếp tục mở rộng ra các thị trường như Trung Đông, Sri Lanka, Cameroon và Malaysia trong những năm 1970.
Đến năm 1973, Keangnam tiếp tục tạo dấu mốc khi trở thành công ty xây dựng đầu tiên IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Korea Exchange.
Năm 1987, công ty này bị thâu tóm bởi Tập đoàn Daewoo và được tái cơ cấu từ 1999 đến 2002. Hoạt động của công ty càng khởi sắc sau khi được Công ty Dae-a Engineering and Construction của Chủ tịch Sung Woan-jong thâu tóm năm 2004.
Bản thân ông Sung được đánh giá là một huyền thoại trong ngành xây dựng. Khi còn nhỏ, ông không thể tốt nghiệp tiểu học vì nhà quá nghèo. Khi trưởng thành, ông bỏ ra 2 triệu won để mua một công ty xây dựng ở Seosan, tỉnh Nam Chungcheong và biến nó thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong vùng. Ông tiếp tục ghi dấu ấn sau khi mua lại Keangnam và gây dựng thành một công ty có doanh thu hàng năm lên hơn 2.000 tỷ won.
Thời kỳ đỉnh cao của công ty là năm 1994, khi giá cổ phiếu lên tới 225.000 won. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã quét qua Hàn Quốc và khiến hầu hết các công ty xây dựng lao đao. Lúc này, Keangnam quyết định tham gia vào cuộc "ngoại giao năng lượng" dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, nhưng hóa ra đây là quyết định sai lầm. Một số hợp đồng năng lượng ở nước ngoài đi đến thua lỗ, khiến tài khoản công ty ngày càng thâm hụt. Đến năm 2013, Keangnam lỗ 310,9 tỷ won và năm 2014, con số này lên 408,4 tỷ won.
Cũng trong năm 2014, cổ phiếu Keangnam trên thị trường chứng khoán còn khoảng 4.800 won. Một ngày trước khi bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán Korea Exchange, giá cổ phiếu rơi còn 113 won.
Các chủ nợ của Keangnam, những ngân hàng nắm giữ lượng cổ phần lớn sau khi đổi nợ thành cổ phiếu cũng gặp vận đen thua lỗ vì giá mã chứng khoán này liên tục đi xuống. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc lỗ 20 tỷ won khi bán 10,9% cổ phần của Keangnam. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Shinhan ước tính khoản lỗ lên đến 12 tỷ won.
Tòa án Seoul vừa đưa ra phán quyết rằng Công ty Keangnam nên để ngân hàng quản lý tài sản sau khi công ty bị các chủ nợ từ chối yêu cầu hỗ trợ tài chính.