Đối với sản phẩm công nghệ, thị trường ngày càng khốc liệt hơn, do sự cạnh tranh mạnh mẽ. Apple hiện tại có lợi nhuận rất lớn và chiếm hầu hết toàn bộ thị trường, nhưng cũng bộc lộ những dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trong tương lai gần.
Quý 3 2016 ghi nhận mùa vụ làm ăn rất tốt của Apple, hãng này chiếm tới 91% lợi nhuận của toàn thị trường smartphone thế giới. Quả thực Tim Cook có thể không giỏi về tầm nhìn của một lãnh đạo hàng đầu, nhưng làm kinh doanh cực tốt. Apple với việc neo giá sản phẩm ở mức cao và định vị iPhone ở phân khúc cao cấp luôn có lợi nhuận rất tốt so với chi phí thực tế của sản phẩm.
Tuy vậy, vấn đề đầu tiên lại chính là ở Tim Cook. Tìm kiếm được nhiều lợi nhuận có thể là quá đủ so với nhiều ngành, nhưng tiền không phải là tất cả trong lĩnh vực công nghệ, nơi mà nắm bắt xu hướng, xây dựng xu hướng và tạo nên sự đột phá giữ một vai trò quan trọng. Apple của Steve Jobs trước đây làm quá tốt điều này với iPhone, và Tim Cook có vẻ như chỉ cần khai thác "mỏ vàng" của người tiền bối là đã đủ cho một hành trình kinh doanh thuận lợi.
Thế nhưng "vàng đào mãi cũng hết". Bằng chứng là iPhone gần đây tuy bán tốt nhưng ngày càng tệ hơn về mặt công nghệ. Nó không có những thay đổi, những đột phá về công nghệ, khả năng dẫn dắt thị trường như thời trước. Thay vào đó, sản phẩm này lại là "học hỏi" đối thủ và mạnh hơn đối thủ nhờ vào thương hiệu cùng logo trái táo cắn dở. Tệ hơn ở chỗ những lỗi phần cứng vốn trước đây rất hiếm gặp, thì giờ xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên sản phẩm mới của Apple. Phần mềm cũng không khá hơn, tuy vẫn có độ ổn định cao, nhưng sau mỗi lần nâng cấp iOS là mỗi lần phát sinh những lỗi khó chịu và khả năng khắc phục ngày càng chậm chạp.
Apple hiện tại của Tim Cook cũng đang bấu víu rất tốt vào App Store đã được Steve Jobs nặn thành hình từ trước. Doanh thu của App Store rất tốt, gấp 4 lần so với Play Store của Android. Những người sử dụng iPhone có lẽ có thu nhập cao hơn, giàu có hơn và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các ứng dụng của mình trên App Store, thay vì nhiều phần mềm miễn phí hoặc có giá phải chăng trên Android. Hiện tại, giới lập trình cũng ưu tiên cho App Store để tạo nên những sản phẩm hoàn thiện hơn và có độ ổn định cao hơn so với phần mềm tương tự viết trên Android, dù sự khác biệt đang dần được xóa nhòa. Trong tương lai gần và ngay cả thời điểm này, khi các smartphone của Android ngày càng chiếm ưu thế về số lượng so với iPhone của Apple, giới lập trình cũng đang xoay trục, và nhiều khả năng sẽ sớm ưu tiên cho ứng dụng trên Android nhiều hơn nữa. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ tới Apple, khi mà lợi thế về ứng dụng không còn nữa.
Nói về sản phẩm, Apple đang không có được những sản phẩm mới gây tiếng vang, mà hầu hết là xoay vòng để tạo lợi nhuận. Apple Watch ra mắt không gây ấn tượng, iPhone 5c biến mất trong im lặng, iPhone SE chỉ là cách tận dụng những thứ dư thừa để tạo nên 1 sản phẩm được cho là mới. iPhone 6, 6s, giờ là 7, không thay đổi về triết lý thiết kế, khiến nó dần trở nên nhạt nhòa và khiến những fan của Táo cảm thấy thất vọng.
Ở chiều ngược lại, những thay đổi của Apple lại khiến giới công nghệ cảm thấy lo sợ, vì nó không hiệu quả, không đột phá, mà dường như chỉ là cách gây shock để được nhắc đến dày đặc trên các mặt báo.
Việc Apple loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone 7, và “phát minh” ra tai nghe không dây AirPod là 2 ví dụ điển hình, khi nó gây nên rất nhiều phiền phức cho người dùng khi không thể sử dụng các tai nghe sẵn có hay tai nghe cao cấp, và AirPod thì không có gì ngoài nỗi thất vọng.
Giống như Nokia đã có thời kỳ vẫy vùng mãnh liệt với các hệ điều hành mới, trước khi đâm đầu vào Windows Phone để rồi “tắc thở”, Apple hiện tại chưa tới mức đó, nhưng cũng đã có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Có lẽ, thời kì “mùa gặt” của Tim Cook sẽ cần phải sớm chấm dứt, và Apple cần tìm một thuyền trưởng có tầm nhìn và có nhiệt huyết hơn với công nghệ, thay vì chỉ nghĩ tới tiền.