Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa sát thực tế

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được đánh giá là xa rời thực tế.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được đánh giá là xa rời thực tế.
TPO - Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học, do đó, cần phải xây dựng chuẩn đầu ra tương ứng và phải có lộ trình để sinh viên đạt được.

Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo "Tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 29/12 tại TPHCM.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho rằng đề án dù đạt được nhiều kết quả như ngành giáo dục đào tạo sẽ triển khai một số chương trình đào tạo giáo viên về ngoại ngữ; 100% sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và khung năng lực giáo viên ngoại ngữ theo các cấp học và trình độ đào tạo... song quá trình triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đạt được mục tiêu khi đặt ra.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến thất bại của đề án là do lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ rất khác nhau. Một số trường triển khai chậm do thiếu giảng viên và không xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng dẫn của Bộ. Trong khi đó một số trường lại xây dựng lộ trình triển khai nhanh nhưng không tính tới các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế phát triển của trường…

“Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ chưa đầy đủ, chưa tạo động lực, mục tiêu phấn đấu cho người học. Sinh viên thiếu động lực học, thụ động tương tác trong giờ học, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ mà chỉ học cho đủ điều kiện trúng tuyển đại học và tốt nghiệp.

Trong khi đó, giảng viên có trình độ ngoại ngữ không đồng đều, số người được đào tạo ở nước ngoài ít, trong khi đó chi phí để thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khá cao và bị giới hạn về thời gian. Chương trình, giáo trình, tài liệu học tập vẫn ở mức độ cơ bản, không được cập nhật thường xuyên hướng tới chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Học liệu chưa phong phú, thiếu hấp dẫn sinh viên…”, ông Tuấn phân tích.

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 thừa nhận dù đề án có được nhiều thành công song mục tiêu đề ra trong đề án này thời gian qua chưa đạt được. “Vì vậy năm 2017, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025”, bà Hữu nói.

Theo đó, các trường sẽ phải rà soát lại yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường chưa công bố chuẩn đầu ra cần xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên. Bên cạnh đó, một số trường thời gian qua đặt chuẩn B1 bậc 3 nhưng cũng gặp khó khăn với chuẩn này và cũng lưỡng lự có tiếp tục đặt chuẩn này hay không.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề án chuẩn ngoại ngữ quốc gia như Chính phủ đã phê duyệt thì các trường cần tiếp tục xây dựng chuẩn đầu ra nhưng có lộ trình phù hợp để triển khai yêu cầu chuẩn đầu ra đó.

“Trong thời gian tới, việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia sẽ là một trong 9 trọng tâm của Bộ GD-ĐT. Dạy học ngoại ngữ sẽ là một mục tiêu trong nhà trường để triển khai đề án ngoại ngữ trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra không như giai đoạn vừa qua”, bà Hữu cho biết.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.