Đề án 112 ở Bộ GD&ĐT: Chi hơn 6,5 tỷ đồng để được gì?

Đề án 112 ở Bộ GD&ĐT: Chi hơn 6,5 tỷ đồng để được gì?
TP - Trong hai năm 2003, 2004, Văn phòng Bộ GD&ĐT đã được cấp 6,55 tỷ đồng để triển khai các nội dung của Đề án 112, nhưng nay phần lớn đều không phát huy hiệu quả.
Đề án 112 ở Bộ GD&ĐT: Chi hơn 6,5 tỷ đồng để được gì? ảnh 1
Trang Web này không ra đời được khi là “con” của Đề án 112 và chỉ khi giao về Trung tâm CNTT (nay là Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD&ĐT) nó mới được ra đời

Đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112) ở Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Trần Văn Nhung ký được triển khai từ năm 2002 theo Quyết định số 2417 ngày 10/6/2002.

Việc triển khai Đề án bao gồm việc xây dựng mạng máy tính và mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cung cấp cho cán bộ công chức cơ quan Bộ và Văn phòng Bộ tại TPHCM, xây dựng trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, xây dựng chương trình quản lý văn bản của Bộ GD&ĐT.

Sau hai năm triển khai, đầu năm 2005 lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã quyết định chuyển trách nhiệm chủ trì triển khai Đề án 112 của Bộ GD&ĐT từ Văn phòng Bộ sang Trung tâm Tin học. Việc bàn giao cho thấy có nhiều tồn đọng chứng tỏ sự lãng phí, kém hiệu quả trong việc sử dụng kinh phí đầu tư của Đề án 112 tại Bộ GD&ĐT.

Phần mềm ứng dụng không hoạt động

Tổng kinh phí đã chi cho việc xây dựng các phần mềm ứng dụng là gần 1 tỷ đồng, nhưng hầu như các phần mềm đều chưa được đưa vào sử dụng, hoặc nếu có thì tác dụng rất hạn chế. Điển hình là hai hợp đồng xây dựng trang thông tin điện tử chính thức của Bộ GD&ĐT (có địa chỉ là www.moet.gov.vn) và chương trình quản lý văn bản.

Trang Web được triển khai xây dựng từ tháng 12/2003 với kinh phí là 300 triệu đồng, theo hợp đồng thì thời hạn hoàn thành là 8 tuần, nhưng đến thời điểm bàn giao (đầu năm 2005) vẫn luôn trong tình trạng thử nghiệm, không đưa được lên mạng Internet, không có nội dung, không có người vận hành, trên thực tế không đưa vào sử dụng và không thể sử dụng được!

Chương trình quản lý văn bản được triển khai xây dựng từ tháng 5/2004 với kinh phí là 444,5 triệu đồng, theo hợp đồng thì thời hạn hoàn thành là 4 tháng, nhưng cho đến nay (tháng 9/2007), theo thông tin mà chúng tôi có được thì đơn vị thực hiện hợp đồng vẫn chưa có sản phẩm giao nộp cho Bộ GD&ĐT.

Chính vì vậy, khi bàn giao đã có ý kiến đề nghị thu hồi hai khoản kinh phí này để xây dựng lại các nội dung nêu trên!

Trang thông tin nội bộ với kinh phí là 146,5 triệu đồng có chức năng là trang tác nghiệp phục vụ công tác điều hành của cơ quan Bộ, nhưng chỉ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là ghi lịch công tác tuần của lãnh đạo Bộ (mà thực chất là xếp lịch bằng tay, sau đó gõ vào máy tính).

Các chức năng khác như xếp phòng họp, xếp xe v.v. đều không dùng. Chức năng Diễn đàn chỉ có rất ít bài tham gia sau gần 2 năm hoạt động. Trang tin điểm báo sơ sài, không cập nhật thường xuyên.

Vì thế, mặc dù có trang điểm báo, nhưng trong thời gian này Văn phòng Bộ vẫn phải thuê một Cty điểm báo với chi phí 2,2 triệu đồng/tháng. Duy nhất chỉ có phần mềm cơ sở dữ liệu luật là có hoạt động.

Mờ ám từ các bản hợp đồng

Trước hết là Hợp đồng Xây dựng phần mềm quản lý văn bản. Theo công văn số 135 ngày 18/5/2004, Văn phòng Bộ báo cáo kết quả đấu thầu và đề xuất đơn vị trúng thầu là Cty máy tính và truyền thông CMC.

Đề xuất này đã được Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng ký quyết định phê duyệt ngày 25/5/2004 với giá trúng thầu là 444,5 triệu đồng. Thế nhưng, mãi tới ngày 21/10/2004 lãnh đạo Bộ GD&ĐT mới phê duyệt kế hoạch đấu thầu của gói thầu này. Như vậy, gói thầu này đã được tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu trước khi có kế hoạch đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục đấu thầu.

Điều đáng nói, mặc dù Hợp đồng được ký giữa Văn phòng Bộ GD&ĐT (đại diện là ông Trần Quốc Tấn, Phó chánh Văn phòng Bộ) với Cty CMC vào ngày 20/5/2004, theo thỏa thuận phải được hoàn thành trong 123 ngày (không tính ngày lễ, thứ 7 và Chủ nhật) kể từ ngày ký, tức là đến khoảng cuối tháng 10/2004 thì hoàn thành các nội dung cơ bản là khảo sát, thiết kế, xây dựng, cài đặt và triển khai chương trình quản lý văn bản và luồng thông tin văn bản; chuyển giao công nghệ, bàn  giao các tài liệu và nghiệm thu hệ thống; đào tạo người quản lý và sử dụng hệ thống; bảo hành hệ thống v.v.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2004, Cty CMC mới chỉ thực hiện (chưa hoàn thành) phần khảo sát, xác định yêu cầu, xây dựng ứng dụng, tài liệu và hệ thống đào tạo.

Thế nhưng, ngày 9/12/2004, ông Trần Quốc Tấn, đã ký biên bản bàn giao hệ thống; và cùng ngày đã ký biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng. Trên cơ sở đó, ngày 21/12/2004, Văn phòng Bộ GD&ĐT đã thanh toán toàn bộ số tiền chi phí thực hiện hợp đồng là 444,5 triệu đồng, trái với các quy định về thanh toán do chính họ thỏa thuận với đối tác trong Hợp đồng.

Một bản hợp đồng khác thường nữa là hợp đồng gói thầu Xây dựng trang Web trên Internet. Theo văn bản (không số) ngày 19/11/2003 của Văn phòng Bộ báo cáo kết quả chào hàng cạnh tranh và đề xuất xét thầu, ngày 11/12/2003, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng đã ký quyết định phê duyệt lựa chọn Cty công nghệ tin học Tinh Vân là đơn vị trúng thầu với giá 300 triệu đồng.

Ngày 12/12/2003, Văn phòng Bộ (đại diện là ông Trần Quốc Tấn) ký hợp đồng với Cty Tinh Vân với các nội dung: Cty Tinh Vân nhận thiết kế, xây dựng Trang thông tin điện tử trên Internet; đào tạo và chuyển giao công nghệ; cung cấp cài đặt và bảo hành phần mềm và dịch vụ.

Thời hạn triển khai hợp đồng là 8 tuần, không kể thời gian duy trì cập nhật thông tin là 12 tháng. Thế nhưng, chỉ 6 ngày sau, Văn phòng Bộ đã ký nghiệm thu và thanh lý hợp đồng, để ngày hôm sau, 19/12/2003 thanh toán toàn bộ giá trị của hợp đồng là 300 triệu đồng.

Chính vì việc ký và thanh lý các hợp đồng quá dễ dàng như vậy, nên cho đến nay, cả hai hợp đồng phần mềm giá trị gần 750 triệu đồng nói trên vẫn chưa có sản phẩm.

MỚI - NÓNG