ĐBQH phản ánh chuyện 'vợ bé' quan chức, bổ nhiệm 'thần tốc' kiều nữ

TPO - Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho biết nhiều dư luận phản ánh việc lãnh đạo chỉ quan tâm đến phái nữ, vì "muốn có thêm vợ bé, bồ nhí, để quản lý tài sản do tham nhũng mà có".

Sáng 9/11, thảo luận về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội đã nêu vấn đề:  Trong thực tế thời gian vừa qua dư luận, báo chí, cử tri rất băn khoăn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng các địa phương có biểu hiện "quan tâm" đến phái nữ.

“Vì họ muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có; thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa kiều nữ, hot girl vào quy hoạch bổ nhiệm "siêu tốc" vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương...”, bà Khánh nêu dẫn chứng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cảnh báo, nếu Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp không xử lý nghiêm minh các trường hợp này thì "sẽ trở thành một tiền lệ rất nguy hiểm, dẫn đến vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ, coi phụ nữ chỉ để đáp ứng những dục vọng tầm thường của mình".

“Điều này sẽ tạo một lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chị em phụ nữ trẻ nói riêng, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, gây bất bình dư luận xã hội. Ví dụ như trường hợp ở Thanh Hóa đến bây giờ chúng tôi cũng không biết là cô gái trẻ ấy đã đi đâu. Không biết đây là quan tâm, tạo thuận lợi hay là hại chị em phụ nữ, cho nên đề nghị Chính phủ phải quan tâm, đánh giá”, bà Khánh nói.

Trước đó, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng phản ánh tỉ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong lãnh đạo chủ chốt các cấp còn thấp.  Như nhiệm kỳ Chính phủ hiện nay chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. “Tỉ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn", ông Hoàng nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cũng phản ánh do nhiều lý do khác nhau, cơ hội để phụ nữ trúng cử cũng thấp hơn. Trong bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua số liệu cho thấy, cơ hội trúng cử của nam ứng cử viên là 68,4% và của nữ chỉ là 39,2%.

Theo Phan Văn Tường (Thái Nguyên), mục tiêu tăng cường tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý lãnh đạo nhằm từng bước giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, tổng thể ở các cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương đều không đạt. Xét về mặt vị trí số học thì chỉ tiêu này không đạt thì đương nhiên các mục tiêu, chỉ tiêu khác cũng không hoàn thành.

Về nguyên  nhân, ông Tường cho rằng do nhận thức định kiến của người liên quan đến nhân sự, đến công tác cán bộ hoặc nhiều người như vậy trong 1 cơ quan, tổ chức thì phụ nữ ít có cơ hội hơn. “Việc trong báo cáo nội dung tỷ lệ nữ hiệp thương ở vòng 3 cao nhưng tỷ lệ trúng cử không tương xứng với số ứng cử viên ứng cử phản ánh gián tiếp tư tưởng trên”, ông Tường nói.

MỚI - NÓNG