Sự việc cũng cho thấy tắc trách của doanh nghiệp cũng như chính quyền từ Trung ương đến địa phương khi đá trách nhiệm cho nhau, lúng túng trong giải quyết hậu quả.
Hà Nội lên phương án tăng giá nước, đại gia Thái hưởng lợi?
Công ty WHA Utilities & Power (WHAUP) (Thái Lan) vừa mua 34 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Công ty Nước mặt sông Đuống. Số cổ phiếu này tương đương 34% cổ phần, với tổng giá trị hơn 2.073 tỷ đồng tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tại đây, Công ty Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên là Chủ tịch HĐQT với 51% cổ phần đang là cổ đông lớn nhất. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (nắm giữ 10%) và Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch (nắm giữ 5%).
Tháng 9 vừa qua, Aqua One và WHAUP đã ký biên bản hợp tác chiến lược về phát triển nhà máy nước mặt sông Đuống trong năm năm tới. Hiện, dự án nước mặt sông Đuống đang cung cấp nước cho các khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh, Hai Bà Trưng, và Hoàng Mai; đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Dự án đang trong giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư đầu tư 5.000 tỷ đồng với công suất 54,75 triệu mét khối nước sạch mỗi năm.
Được biết, lãnh đạo Hà Nội mới đây, giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Giá có thể tăng còn tăng tiếp trong thời gian tới trong bối cảnh Hà Nội cho biết đang bù lỗ tiền tỷ mỗi ngày cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà (hiện ở mức khoảng 5 ngàn đồng/m2). CTCP Nước sạch sông Đà hiện đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn hàng ngàn tỷ.
Như vậy, cơ hội kiếm lời của người Thái là rất lớn và có thể còn gia tăng bởi giá nước Sông Đuống hiện ở mức cao so với nước sông Đà và giá có thể tăng tiếp trong thời gian tới.
Chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân là vi phạm lớn
Trao đổi với báo chí xung quanh việc công trình nhà máy nước mặt sông Đuống- giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã bán nước cho nhiều khu dân cư, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.
“Quy định công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng thẩm quyền về chất lượng công trình; kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa… Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình này và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác” – PGS.TS Trần Chủng phân tích.
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chưa ra văn bản nghiệm thu công trình thì chưa được đưa vào sử dụng: “Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Luật đã quy định như vậy rồi mà chủ đầu tư không tuân thủ thì đương nhiên vi phạm mà là vi phạm lớn. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, là không ổn” – ông Chủng nhấn mạnh.