Thảo luận về tình hình sử dụng đất đai tại đô thị, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định cho rằng), công tác quản lý đất đai còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương, kỷ luật và xử lý sai phạm chưa nghiêm. Ở nhiều nơi vẫn còn quỹ đất sử dụng không hiệu quả hoặc để hoang hóa, hoặc bị sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Trong khi đó, rất nhiều công trình dự án, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết muốn đầu tư nhưng lại bị vướng.
“Như vậy, vô hình chung nó là sự lãng phí rất lớn trong việc tận dụng các cơ hội để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, nhiều sai phạm chậm được xử lý nghiêm minh gây hoài nghi trong dân. Trong báo cáo chỉ ra nhiều địa chỉ sai phạm, nhiều sai phạm đã kéo dài nhưng việc xử lý chưa dứt điểm”, bà Hạnh nêu.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh
Bà Hạnh cũng chỉ ra nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, trong đó nhiều vấn đề phát sinh chưa được luật hóa để đảm bảo khung pháp lý trong tổ chức thực hiện.
“Tôi kiến nghị cần kịp thời phát hiện quản lý những hiện tượng, những sự việc bất thường đã và đang diễn ra trong thực tiễn. Cũng có nhiều vụ việc tôi cho rằng ngay bây giờ chúng ta cần có sự vào cuộc để phát hiện và xem đây là vấn đề quan trọng để kịp thời xem xét, nghiên cứu và có quản lý. Trong đó, tôi rất quan ngại với hiện tượng hiện nay có một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài, tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức quan tâm đến”, bà Hạnh nói.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí không tuân thủ pháp luật.
“Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền, theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, lợi dụng cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân, tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín”, ông Vượt nói.
Ông Vượt đề nghị QH, Chính phủ phải kịp thời thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm. “Quan trọng hơn cả là phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên”, ông Vượt nêu.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân
Cùng mối quan tâm, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đầu tư bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần... để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trở thành chủ sở hữu của các dự án sử dụng đất mà không cần qua thẩm định của các cơ quan hữu quan.
“Bên cạnh đó tình trạng người dân đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài diễn ra ở một số nơi trong thời gian vừa qua. Chúng ta thấy dấy lên nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng. Cần đánh giá thực trạng về tình hình này, sửa lại quy định không còn phù hợp, nghiêm cấm việc người việt nam đứng tên mua nhà, thuê đất cho người nước ngoài”, bà Ngân nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế để cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài, đặc biệt những khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. “Cần có cuộc điều tra quy mô cả nước về vấn đề này và tổ chức thực hiện thật nghiêm túc”, ông Trí nói.