Để giờ học Văn không còn “ngủ gật”
Trong tiết ngoại khóa môn Văn khối 11, thầy Phạm Quốc Đạt (34 tuổi, giáo viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM) đã cho học sinh xây dựng ngoại cảnh, sân khấu và diễn kịch theo một số tác phẩm văn học. Trong đó, có một số “cảnh nóng” từ tác phẩm “Bỉ vỏ”, “Số đỏ” như Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái, Tám Bính bị hãm hiếp.
Những cảnh này lên mạng và bị rò rỉ ra ngoài. Trường THPT Võ Trường Toản đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đạt vì có các sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, tự ý đưa ra kế hoạch dạy hoặc ngoại khóa, sân khấu hóa mà không có kế hoạch gửi nhà trường. Giáo viên này bị đình chỉ giảng dạy 1 năm và chuyển sang làm nhân viên thư viện.
Một trong những cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học bị phản ứng (Ảnh cắt từ clip)
Không phục với mức phạt, trong diễn biến mới nhất, ông Đạt đã đâm đơn kiện hiệu trưởng ra Tòa án Nhân dân quận 12, TPHCM. Ông cho biết khi dạy văn, mình thường cho các học trò sân khấu hóa tác phẩm để các em hiểu rõ hơn về nội dung. Với các “cảnh nóng”, học sinh sáng tạo trên hiệu ứng chiếu bóng. Học sinh đứng sau tấm màn, không có sự đụng chạm xác thịt, chỉ dùng kỹ xảo để diễn tả hành động. Ông cũng cho rằng khi bóc tách một chi tiết ra khỏi vở kịch dài 15 phút, sự việc có thể bị bẻ cong theo hướng suy nghĩ khác. Vai trò của bối cảnh rất quan trọng. Nó quyết định đến nội dung ý nghĩa và có dụng ý của người truyền tải thông tin.
Ranh giới mong manh
Việc sáng tạo, đổi mới phương thức giảng dạy, giúp học sinh hào hứng với các bài học là điều cần thiết và xứng đáng được cổ vũ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ranh giới giữa sáng tạo và lố bịch, giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật luôn là khoảng cách mong manh.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, người từng có nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội cho biết, thực tế bao năm nay, học sinh đang chán dần học Văn nói riêng và các môn xã hội nói chung. Bởi vậy, các giáo viên trẻ thường ham tìm tòi các phương thức đổi mới cách dạy, trong đó có phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” tức là trả tình yêu văn học cho các em, tất nhiên vẫn dưới sự dẫn dắt của thầy cô.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chuyên Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng: Không phải tác phẩm văn học nào cũng sân khấu hóa được.
Các phương pháp như diễn kịch, làm thơ, đọc rap... đã thực sự mang đến cho học sinh những cách tiếp cận mới mẻ. Nhưng nó cũng chỉ là thủ pháp phụ trợ chứ không thay thế được bài giảng của thầy. Hơn nữa không phải tác phẩm nào cũng sân khấu hoá được. Cần phải có tiêu chuẩn, bởi mỗi tác phẩm văn học có những giá trị riêng. Khi sân khấu hóa có thể làm đặc sắc hơn nhưng cũng có thể “giết chết” giá trị của nó.
“Khi lựa chọn sân khấu hóa tác phẩm, giáo viên nên chọn lọc những trích đoạn hay để cho các em đóng. Có rất nhiều trích đoạn hay, có giá trị để dàn dựng, giáo viên không nhất thiết phải chọn trích đoạn có cảnh “nóng”. Đặc biệt ở hoàn cảnh đang có nhiều vấn đề phức tạp trong học đường như hiện nay. Đừng nghĩ chỉ cần một lớp vải mỏng che chắn hay không đụng chạm thân thể mà không tác động đến tâm sinh lý học sinh. Văn học là phải hướng đến Chân- Thiện- Mỹ”- TS Trịnh Thu Tuyết phân tích. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng hình thức kỷ luật với thầy Phạm Quốc Đạt như vậy là hơi nặng, chỉ nên nhắc nhở rút kinh nghiệm về chuyên môn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng ghi nhận cái tâm của thầy Đạt là muốn học sinh hiểu kĩ tác phẩm hơn, về cái thanh lẫn cái tục. “Nhưng việc cho các em xem cảnh nóng, mới chỉ xem thôi cũng có thể làm các em bị kích thích, chứ chưa nói để các em tự nhập vai như vậy. Với lứa tuổi teen, đã dậy thì, nên các em có nhu cầu như người lớn, nếu bị kích thích sẽ khó kiềm chế, từ đó có thể dẫn đến những hành động sai lệch. Theo quy định về dâm ô ở một số nước trên thế giới thì đây được xem là hành động gợi dục và thầy giáo phải chịu trách nhiệm về việc này rồi. Luật ở Việt Nam chưa rõ nên thầy mới không bị xử lý. Ngay trong giáo dục giới tính, tất cả mọi thứ đều phải giải thích theo khoa học, chứ không phải là kích dục trẻ”, chị nhấn mạnh.
Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học không phải là một phương pháp giáo dục quá mới mẻ ở Việt Nam mà đã được áp dụng nhiều năm nay tại nhiều trường học trên cả nước. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam ủng hộ việc đổi mới hình thức giảng dạy để sinh động hơn, dễ tiếp cận hơn. Nhưng đồng quan điểm với các chuyên gia trên, ông cũng cho rằng nên có sự tổ chức, giám sát kỹ lưỡng. “Với những hình ảnh phản cảm thì trên sân khấu cũng cấm chứ không chỉ trong nhà trường. Sân khấu hay văn học đều có tính ước lệ, hoàn toàn có thể tìm những cách thể hiện khác, làm sao phù hợp với lứa tuổi, tâm lý các em”- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định.
Ông cũng đề xuất các trường nên tổ chức những buổi ngoại khoá cho học sinh đến nhà hát xem các tác phẩm văn học được sân khấu hoá như thế nào, được tiếp xúc với diễn viên, nghệ sĩ, đưa ra những câu hỏi, giao lưu. Những năm qua, nhằm thực hiện chủ trương đưa văn hóa nghệ thuật đến với đông đảo người dân thành phố, đặc biệt là đối tượng HS-SV, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã giao cho một số nhà hát trên địa bàn xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống và phối hợp một số trường phổ thông trong thành phố để biểu diễn trong trường học. Các nhà hát cũng đã dàn dựng, tập luyện cho học sinh nhiều tác phẩm, trích đoạn nổi tiếng trong văn học. Theo NSND Lê Tiến Thọ, đây là một cách làm hay, cần phát huy, nhân rộng để giáo dục giới trẻ không chỉ yêu thích tìm hiểu văn chương mà còn thêm hiểu biết về nghệ thuật sân khấu truyền thống.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
“Nếu như thầy Đạt có sự giám sát chặt chẽ hơn nội dung của các phân đoạn học sinh thực hiện sân khấu hóa; có sự tư vấn của những người có chuyên môn về sân khấu thì có lẽ thầy và trò sẽ biết sử dụng ngôn ngữ của kịch để truyền tải một cách tối ưu”.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam