Dạy thêm, cấm được không?

Học sinh trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú đang ôn thi tại trường.
Học sinh trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú đang ôn thi tại trường.
TP - Nhiều ý kiến đồng tình sau chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM về việc từ năm học tới thành phố phải chấm dứt dạy thêm học thêm, ngoại trừ phụ đạo học sinh yếu. Tuy nhiên, không ít giáo viên đặt câu hỏi dạy thêm là công việc chính đáng và cho rằng nếu cấm sẽ làm cuộc sống của họ thêm khó khăn và nảy sinh biến tướng.

Ngày 9/6, nhiều phụ huynh có con học ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình bất ngờ khi nhận được thông báo của nhà trường về việc không tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp hè này nữa. Trước đó, ngày 8/6 Phòng GD&ĐT quận Tân Bình đã có văn bản yêu cầu tất cả trường Tiểu học và THCS trên địa bàn quận tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào trong dịp hè này. Thay vào đó, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường phải phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống nhằm tạo điều kiện cho các em có sân chơi ngày hè thật sự ý nghĩa, bổ ích. Văn bản này được đưa ra sau một ngày khi lãnh đạo TPHCM có yêu cầu TP phải chấm dứt học thêm, dạy thêm trong nhà trường khi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT.

Chị Nguyễn Thị Loan có con học lớp 8 tại trường THCS Ngô Sĩ Liên ngạc nhiên khi nghe thông tin trên, bởi cách đây hơn tuần, chị vừa đóng tiền học phí hè cho con học tại trường. “Nhà trường thông báo đầu tuần sau đến nhận lại tiền học thêm. Tôi mừng vì cháu bớt học hành trong những ngày hè nhưng đổi lại gia đình lại sợ cháu không theo kịp chương trình lớp 9 sắp tới”, chị Loan nói.

Cấm được không?

Đồng tình với việc cấm học thêm, dạy thêm, ông Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM cho rằng, cần sớm chấm dứt tình trạng này để học sinh cũng như phụ huynh có thêm thời gian nghỉ ngơi, tránh áp lực về thời gian cũng như tiền bạc. Theo ông Hùng, học thêm là hình thức củng cố kiến thức và học trước bài mới nên dễ làm học sinh nhàm chán. Bên cạnh đó, học thêm thật ra là một thói quen, mà đã là thói quen thì chắc chắn sẽ bỏ được.

Ông Nguyễn Đình Độ, phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho rằng việc cấm dạy thêm học thêm là đúng, tuy nhiên khó thực hiện và dễ sinh ra biến tướng. Theo ông Độ, muốn chấm dứt dạy thêm thì phải đi tìm nguyên nhân và giải quyết được cái gốc chứ không thể nói cấm giáo viên dạy thêm là được.

“Quan trọng nữa là lương giáo viên phải đủ sống bởi với lương hiện nay thì lo cho bản thân còn khó khăn chứ chưa nói đến lo cho gia đình. Nếu không dạy thêm thì lương giáo viên thậm chí còn không bằng công nhân”. 

Thầy giáo Đỗ Đức Anh

“Nguyên do ở đây la phân phối chương trình của Bộ GD&đt bó buộc thời gian trong khi chương trình lại quá nặng khiến giáo viên khó có thể truyền tải hết kiến thức, đề thi lại đánh đố, nâng cao. Bên cạnh đó, mô hình trường chuyên lớp chọn vẫn tồn tại. Vì vậy, học sinh muốn vào trường chuyên buộc phải học thêm, luyện thi để cạnh tranh với nhau” - ông Độ phân tích và đề xuất nên giảm tải chương trình và xóa bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn là tự khắc hết học thêm, dạy thêm.

Không đồng tình với việc cấm dạy thêm, học thêm, ông Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy Văn trường THPT Bùi Thị Xuân đặt câu hỏi: “Tại sao bác sĩ hết giờ ở bệnh viện lại được về nhà mở phòng mạch, công nhân hết giờ làm lại có thể tăng trong khi giáo viên dạy thêm cũng là công việc lao động chính đáng, không làm gì sai trái thì lại cấm?”. Theo ông Anh, việc dạy thêm học thêm đã tồn tại từ lâu nay, nhiều lần chủ trương cấm nhưng không được là do xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ông Anh dẫn ví dụ với chương trình học nặng như hiện nay và thời lượng 45 phút/tiết học thì giáo viên khó mà truyền tải hết được kiến thức nên học sinh buộc phải học thêm.

Một giáo viên THCS quận 12 bức xúc trước định kiến dạy thêm hiện nay và cho rằng: “Trước khi cấm dạy thêm hãy cho lương chúng tôi đủ sống”. Việc dạy thêm tại trường vừa giúp phụ huynh đỡ phải đưa đón, giáo viên có thêm thu nhập. “Nếu bây giờ cấm dạy trong trường mà ra trung tâm dạy thì chả khác nào tiếp tay cho hình thức kinh doanh này. Giáo viên chúng tôi lại phải đi làm thuê cho người khác, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều biến tướng…”, giáo viên này nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.