Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Theo Bộ NN&PTNT đến nay, hơn 82% tàu cá đã lắp các thiết bị giám sát hành trình.
Theo Bộ NN&PTNT đến nay, hơn 82% tàu cá đã lắp các thiết bị giám sát hành trình.
Đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là những giải pháp quan trọng để quản lý tàu cá, được Uỷ ban châu Âu (EC) khuyến nghị Việt Nam trong nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC.

Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo cập nhật của các địa phương, đến hết tháng 9/2020, số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định tại Thông tư 23/2018 của Bộ NN&PTNT gần 80.200 tàu cá.

Trong đó, loại tàu có chiều dài từ 6 -12 mét là trên 36.700 chiếc; Tàu dài từ 12 -15 mét là trên 14.550 chiếc và tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên 28.900 chiếc.

Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, đến giữa tháng 10/2020, số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt trên 25.500 tàu, đạt tỷ lệ trên 82,2% số tàu cá phải lắp đặt (tàu dài 15 mét trở lên).

Trong đó, loại tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên đã lắp đặt 2.244 tàu, đạt tỷ hơn lệ 82,2%; Tàu từ 15 đến nhỏ hơn 24 mét cũng đạt 23.270 tàu, đạt tỷ lệ gần 82%.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, từ đầu năm 2020 đến 11/10, cả nước đã xảy ra 68 vụ/112 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; So với cùng kỳ năm 2019, đã giảm giảm 55 vụ/86 tàu. Trong đó, các vụ việc bị bắt giữ do vi phạm là 39 vụ/66 tàu, giảm 40 vụ/61 tàu so với cùng kỳ năm ngoái.

Tàu bị bắt giữ tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử và chưa rõ tọa độ bắt giữ 29 vụ/46 tàu, giảm 15 vụ/25 tàu so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang (38 vụ/66 tàu), Cà Mau (6 vụ/12 tàu), Bến Tre (7 vụ/9 tàu), Bà Rịa Vũng Tàu (6 vụ/8 tàu), Bình Định (6 vụ/10 tàu), Khánh Hòa (1 vụ/3 tàu), Bạc Liêu (1 vụ/1 tàu), Tiền Giang (1 vụ/1 tàu), Quảng Ngãi (1 vụ/1 tàu).

Các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam tập trung tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Philippines.

Là một trong những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm, Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang cho biết, tính đến cuối tháng 8/2020, tỉnh đã xử phạt 27 vụ/47 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số tiền xử phạt hơn 19,4 tỷ đồng và tịch thu 30 tàu cá.

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt theo Nghị định 42/2019 là 19 vụ vụ/34 tàu cá, với số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Biên phòng xử lý 8 vụ/13 tàu, với số tiền 665 triệu đồng.

Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ số liệu thống kê, Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất cả nước (chiếm hơn 50%), xảy ra nhiều năm liền và chưa có dấu hiệu giảm.

Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và đánh dấu tàu cá là hai trong số những công cụ quan trọng để quản lý hoạt động khai thác trên biển của tàu cá. Tuy nhiên, đến nay Kiên Giang vẫn chưa đạt lộ trình đề ra theo quy định hiện hành.

Tính đến hết tháng 8/2020, toàn tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.480/3.864 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, đạt 90%.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá ảnh 1 Việc lắp đánh dấu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp công tác quản lý tàu cá tốt hơn

Trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên là 587/603 tàu, đạt 97%, còn lại là tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m. Về đánh dấu tàu cá, đã thực hiện được 4.903/9.871, đạt gần 50% tổng số tàu cá của tỉnh. Trong đó, riêng nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên là 603/603 tàu, đạt 100% tàu.

Qua công tác kiểm tra, giám sát hành trình tàu cá thời gian qua, đã phát hiện nhiều trường hợp tắt thiết bị, tháo thiết bị gửi sang tàu, phương tiện khác, việc niêm phong kẹp chì thiết bị của nhà cung cấp dịch vụ có vấn đề.

 Liên quan đến việc triển khai cơ sở dữ liệu nghề cá (Vnfishbase), Bộ NN&PTNT đã phân quyền cập nhật, khai thác phần mềm Vnfishbase cho các địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển theo quy định tại Thông tư số 24 (ngày 15/11/2018) của Bộ NN&PTNT.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thuỷ sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dữ liệu quản lý tàu cá  trên phần mềm Vnfishbase.

Tổng cục Thủy sản đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc quản lý khai thác thủy sản, quản lý tàu cá và việc cập nhật dữ liệu trên phần mềm tại một số địa phương.

Theo đánh giá, đến nay, các địa phương đã tích cực triển khai sử dụng các chức năng trên phần mềm, đặc biệt là dữ liệu tàu cá có chiều dài từ 15 mét  trở lên đã được các địa phương rà soát, bổ sung và cập nhật thường xuyên. Số liệu tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên theo báo cáo của các địa phương đã cơ bản khớp với số liệu cập nhật trên phần mềm.

Tính đến ngày 8/10, tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập nhật trên phần mềm Vnfishbase là 31.035 tàu, trong đó, tàu tàu có chiều dài từ 15 đến nhỏ hơn 24 mét là 28.420 tàu; tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên là 2.615 tàu.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".