Đẩy mạnh mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế

TP - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong năm 2015, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục xác định sẽ cùng với các bộ ban ngành liên quan tập trung thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% dân số tham gia BHYT.
Theo đề án của ngành BHXH Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% dân số tham gia BHYT

Phấn đấu đạt mốc 80% dân số tham gia BHYT


Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã xây dựng Đề án để toàn ngành thưc hiện. Mục tiêu quan trọng là làm sao để tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT. Trong đề án của ngành, BHXH Việt Nam đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT.

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT. Cải cách thủ tục hành chính trong KCB, trong thanh toán chi phí KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến KCB. Ngoài ra, sẽ bảo đảm cân đối thu - chi Quỹ BHYT, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp để kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Mở rộng đối tượng tham gia 

Để thực hiện BHYT toàn dân, với nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90%, tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế; đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT.
Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của BHYT, tổ chức các đại lý BHYT bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về BHYT và thuận lợi cho việc tham gia BHYT với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. 

Đối với nhóm người lao động trong các doanh nghiệp, phải kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Xây dựng cơ chế thu BHYT về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế sử dụng quỹ KCB BHYT. 

Với người thuộc hộ gia đình cận nghèo, quy định các thành viên phải tham gia BHYT theo hộ gia đình và triển khai thực hiện Quyết định số 705 của Thủ tướng về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT cho đối tượng có thu nhập thấp. 

Với đối tượng học sinh, sinh viên, cần xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT, quyền lợi về KCB và chăm sóc sức khỏe, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về BHYT; công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Sử dụng quỹ KCB BHYT tại các nhà trường đúng quy định. Xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với học sinh, sinh viên. 

Với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, cần tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT để người dân hiểu về quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia BHYT, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan liên quan trong tổ chức, hướng dẫn vận động tham gia BHYT. Tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, áp dụng với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình và thực hiện giảm mức đóng theo quy định của Luật BHYT, xây dựng cơ chế phối hợp và kế hoạch cụ thể và chỉ tiêu hàng năm về vận động các hộ gia đình tham gia BHYT. 

Với nhóm tự nguyện tham gia BHYT, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, quyền lợi về KCB, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT; vận động tham gia BHYT, hướng dẫn đăng ký tham gia BHYT. Hướng dẫn cách thức đăng ký tham gia BHYT và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức thực hiện. Nghiên cứu đề xuất cơ chế tham gia theo hình thức hộ gia đình. 

Với nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, cần tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền được cấp thẻ BHYT và quyền lợi về KCB của trẻ em dưới 6 tuổi, hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ đăng ký nơi KCB ban đầu cho trẻ dưới 6 tuổi. Phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương rà soát danh sách cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.