Công bằng mà nói kể từ khi được bổ sung vào Luật Nhà ở, phí bảo trì chung cư đã gây phiền toái và làm phát sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Nhiều người ví phí bảo trì chung cư như miếng mỡ treo trước miệng mèo. Với các chung cư cao cấp quy mô từ vài trăm đến vài nghìn căn hộ, quỹ bảo trì chung cư lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nếu đem gửi tiết kiệm, tiền lãi lĩnh hàng tháng cũng đủ giàu sụ. Thế nên mới có chuyện ở nơi này, nơi kia, hội nghị nhà chung cư đã tổ chức cả chục lần chưa bầu được Ban Quản trị vì chủ đầu tư không ưng cái bụng. Có nơi bầu Ban Quản trị rồi mới phát hiện Trưởng Ban là…người nhà của chủ đầu tư. Trăm phương, nghìn kế được sử dụng để trì hoãn bàn giao “miếng mỡ” cho Ban Quản trị. Và, bàn giao rồi vẫn chưa hết chuyện. Đây đó vẫn còn những lời xì xào về việc sử dụng, chi tiêu không minh bạch.
Hấp dẫn là thế nên các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý sử dụng quỹ bảo trì bùng phát, nhất là khi chung cư đang mọc lên như nấm tại nhiều đô thị lớn như TPHCM, TP Hà Nội. Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư; giữa cư dân và Ban Quản trị chung cư do chính cư dân bầu ra ngày càng gay gắt. Có nơi, máu đã đổ xuống dù chính quyền địa phương và các sở ban ngành chức năng đã nỗ lực giải quyết. Trước áp lực ấy, đề xuất bỏ phí bảo trì của đại diện Sở Xây dựng TPHCM là việc dễ hiểu bởi chuyện thị phi trên chưa từng xảy ra ở các chung cư cũ và một khi còn quá nhiều mèo săm soi, cách đơn giản nhất là vứt miếng mỡ đi.
Được giảm 2% giá trị căn hộ song hầu hết các cư dân và những người đang có ý định mua căn hộ chung cư không đồng tình với đề xuất trên. Và, người dân hoàn toàn có lý. Qũy bảo trì luôn cần phải có, sẵn sàng sử dụng cho việc bảo trì tòa nhà, sửa chữa hư hỏng của các trang thiết bị một khi chung cư bắt đầu xuống cấp sau thời gian dài sử dụng. Những ai đã và đang sinh sống trong các chung cư cũ đều thấm thía nỗi khổ không có quỹ bảo trì. Thang máy hỏng, máy bơm nước bị liệt, hành lang ẩm mốc, trần căn hộ thấm nước… họp tới họp lui, nhắc nhở, đốc thúc cả năm trời vẫn không có tiền sửa chữa, dẫn đến tình trạng chung cư rơi vào cảnh cha chung không ai khóc.
Kiểu tư duy “không quản được thì …bỏ”, đẩy hết khó khăn về phía người dân là rất khó chấp nhận song đáng buồn xu hướng này đang dần trở thành trào lưu và xuất hiện ngày càng phổ biến ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề…Thay vì đề xuất vứt bỏ cho rảnh nợ, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các qui trình quản lý chặt chẽ hơn để bịt các lỗ hổng, tránh tình trạng quỹ bảo trì chung cư bị trục lợi, lạm dụng và quyền lợi bị người dân cứ thế... treo.