Ác mộng đường núi ngày mưa
Ngoài trời trở lạnh, mưa tuôn trắng xóa cộng với gió rít. Lúc 5 giờ sáng, cô giáo Dương Ngọc Thanh Hương vội vã cuốn chặt cậu con trai 9 tháng tuổi vào chiếc chăn dày rồi chuẩn bị khoác áo mưa, mang dép nhựa và không quên chai dầu nóng để lên đường. Thân gái mỏng manh, nhưng nơi cô đi về là một vùng núi xa thăm thẳm, mây mù sà sát ngọn cây, con đường vắng bóng người với những dốc đèo quanh co và câu chuyện sạt núi đè chết nữ giáo viên đã từng xảy ra trong quá khứ.
Cô kể, mỗi khi rời nhà, trong tâm trí của cô lại hiện ra hình ảnh từng đi qua con đường lội bùn về thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Chiếc xe máy thỉnh thoảng xoay ngang, trượt dài xuống bờ mương, chật vật như người đang đứng trên tảng mỡ, cố gắng giữ thăng bằng nhưng cuối cùng người và xe vẫn lăn ra đất bùn. “Có chuyến đi ngã 2-3 lần, nhưng em tự lôi xe lên rồi lại đi tiếp chứ chỗ đó vắng lắm, không có ai giúp đâu, phải tự mình xoay sở, sau này có đồng nghiệp đi cùng thì nhờ” , cô Hương chia sẻ.
Mỗi ngày cô Hương đi từ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn ven quốc lộ 1 vùng đồng bằng Quảng Ngãi lên đến điểm trường là hơn 50 cây số, chiều dài cả đi lẫn về trong ngày là hơn 100 cây số. Cậu bé Ri Ô là con đầu lòng của cô mới 9 tháng tuổi và hàng ngày cô phải gửi bà ngoại chăm sóc và cho uống sữa công thức để mẹ đi làm. Cái tên Ri Ô thật dễ thương và cũng trở thành động lực cho người mẹ cố gắng vượt qua khó khăn, mỗi khi lên trường dạy và trở về thì hình ảnh cậu con trai khiến quãng đường dường như đã ngắn lại.
Các giáo viên khi lên dạy ở huyện miền núi Trà Bồng thì thường nhắc đến những điểm “ù té chạy”, “ô té ngã” và đoạn phải đi băng núi vào trường học, trong đó có điểm trường Trà Khương. Thầy giáo Trần Minh Việt, đồng nghiệp của cô Hương cho biết, điểm sạt lở kinh khủng nhất nằm trên tuyến đường gần trường. Có lần trời đổ mưa và núi đổ sập xuống. May mắn là tảng đất đá trượt xuống trong đêm tối không ai qua lại. Sáng ra, thầy đi dạy thì thấy núi đất chắn trước mắt. Đồng bào hiểu được giáo viên sẽ kẹt đường nên đứng chờ. Thầy Việt và cô Hương được người dân đưa xuyên qua núi, quá giang xe máy để tiếp tục vào trường.
Gia đình thầy Việt ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, mỗi ngày đi – về hơn 50 km. Còn đồng nghiệp của thầy là cô Hương thì đi quãng đường gấp đôi. Thầy Việt năm nay 33 tuổi nên cũng thấm thía được nỗi khổ của giáo viên vùng cao. Những ngày trời đổ mưa, đất nhão ra và bùn dưới chân sôi lên như bột nhão. Gặp đoạn núi sạt, nếu giáo viên không đi vòng lên núi mà cố gắng băng qua thì có thể sẽ bị tụt xuống hố và chôn trong đống bùn lầy.
Học trò người Cor đang đợi
Năm 2014, cô sinh viên 22 tuổi vừa ra trường ấy lên vùng cao nhận công tác. Những người bạn của cô đã chia sẻ tin tức đăng trên báo Quảng Ngãi về nơi cô sẽ đến. Năm 2008, có 3 giáo viên đi dạy về, khi qua xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng đã bị núi lở đè. Cả làng ra đào xới bật tung cả móng tay nhưng chỉ cứu được 2 thầy cô, còn thi thể cùng chiếc xe máy của cô giáo Huỳnh Thị Kim Yến bị lấp sâu dưới bùn đất, phải huy động xe xúc để giải phóng núi đất đỏ mới đưa được cô về an táng. Nhiều tờ báo ngày đó đã đăng bức ảnh gây xúc động, đó là chiếc xe máy của cô Yến lấm lem đất đỏ, sách vở, đôi dép, chiếc áo mưa của cô quấn trong đất đỏ.
Ông Dương Hồng Thanh, cha cô Hương cũng nhắc lại chuyện bi thảm này khi nghe tin con lên miền núi Trà Bồng giảng dạy. Thương thân con gái lặn lội về tận vùng sâu nên những ngày đầu ông trực tiếp chở con lên trường và cũng đi để “thị sát”. Ông chỉ ra cho cô những đoạn đường khá nguy hiểm, căn dặn con khi đi trên những đoạn đường quá vắng vẻ giữa đồi núi và rừng cây thì phải đề phòng bất trắc ra sao, nếu giữa đường mà đất trên vách núi sạch xuống đầu thì phải bỏ xe chạy thật nhanh như thế nào...
“Sau ngày rời ba và ngày đầu tiên phóng xe lên núi, em cứ run cầm cập và giống như bị ai đó níu kéo lại, nhưng rồi vẫn cứ đi và thấy rất xa xôi” – cô Hương nhớ lại. Nhưng rồi xác định chọn nghề giáo viên vào giai đoạn này thì phải chinh chiến miền núi, cùng ăn cùng ở với đồng bào nên cô tiếp tục băng băng hướng về phía những dãy núi trước mặt. Lớp học đầu tiên cô đứng giảng dạy, toàn bộ học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Cor. Học sinh nhìn cô giáo xinh đẹp không chớp mắt, nhưng điều khó hiểu đối với cô Hương, đó là toàn nghe tiếng rì rào ngôn ngữ đồng bào Cor.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan dạy cùng trường với cô Hương lo bữa trưa cho học sinh xa nhà
Cả lớp mà cô giáo nói nhưng không em nào hiểu thì quả là không biết phải làm sao, cô Hương kể về nỗi lo và sự lúng túng của mình. Khi cô quay lên bảng ghi dòng chữ tiếng Việt thì dưới lớp nổi lên một luồng xì xào. Tiếng xì xào đó giống như cơn gió trong rừng, lúc đầu nhẹ nhàng, sau đó bừng lên. Nhưng khi cô quay mặt xuống nhìn thì đột nhiên cả lớp yên lặng phăng phắc. Cho đến khi cô gõ thước lên bảng đọc dãy chữ số 1, 2, 3 thì học sinh đọc là: muối, lá, váy, vắt, kinh…Nghe học trò đọc chữ số, cô giáo kinh ngạc và rồi hiểu ra, toàn bộ các em trong lớp đều sử dụng tiếng Cor và biết rất ít tiếng Việt.
Nhiều thầy cô giáo ở Quảng Ngãi khá e ngại khi nghe cung đường lên Trà Bồng. Hành trình của cô Hương có lúc sáng đi dạy, chiều về, có thời điểm xin ở trọ lại trong quán nước của bà con dân bản của những người dân tốt bụng, hoặc thổi gạo nấu cơm chung với các anh, chị giáo viên bám bản. Sau 1 năm dạy học ở điểm trường cách ngã 3 Trà Xuân 12 km, nằm sâu trong núi thì cô tiếp tục được điều động qua điểm trường Trà Khương, xã Trà Lâm, vùng nổi tiếng là làng chạy núi sạt. Suốt 10 năm qua, người dân ở đây sống trong hoảng hốt bởi tiếng nổ ì ầm từ núi Cờ Zút, rồi vết nứt toác hiện ra.
Ở điểm trường này, học sinh nói “rặt ri” tiếng Cor và khác biệt so với điểm trường trước đó là “các em lem luốc như cái củ mì, mặt mũi dính bùn đất, tay chân cũng đen thui”. Vậy là ngoài việc làm cô giáo thì cô Hương cùng 2 thầy cô giáo khác phải kiêm thêm việc của một người Mẹ để chăm sóc các em tận tình hơn. Chỉ vào các cháu bé, cô Hương kể về từng trường hợp. “Đây là em Hồ Thanh Thang, ba đi làm xa, mẹ bỏ nhà đi. Còn đây là em Hồ Văn Vang và Hồ Thị Nhung, đứa mất ba, đứa mất mẹ, mình thương yêu và coi như ba mẹ của các em”…
Sau giờ học, cô Hương và cô giáo Loan ở phòng học cạnh nấu mì tôm và gọi học sinh. Để hòa nhập với học trò thì ngoài giờ học, các thầy cô nói tiếng Cor, “xa bang (ăn trưa)” – các cô mời gọi học trò.
Thầy giáo Trần Minh Việt, đồng nghiệp của cô Hương cho biết, thỉnh thoảng núi sạt thì các anh, chị em giáo viên đứng chờ nhau rồi cùng đi qua đoạn đường lầy lội. Giáo viên ở những nơi khó khăn như vậy thì thường đoàn kết giúp đỡ nhau.