Day dứt khó nguôi…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2003, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam gây chấn động xã hội, với 156 bị cáo đủ các thành phần, từ xã hội đen đến nhà báo, công an, quan chức. Trong đó, có 2 ủy viên Trung ương là một vị tướng Công an và một vị Tổng Giám đốc đài.

Tôi cùng một số đồng nghiệp thuộc Ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM được Ban biên tập (BBT) phân công phản ánh phiên tòa xét xử vụ án lịch sử này. Phiên tòa tính từ ngày khai mạc đến khi kết thúc là 101 ngày, trong đó có 57 ngày xét xử. Trước khai mạc phiên tòa sơ thẩm một ngày, tôi được “mật báo” chuyến bay chở bị cáo H (Hội nhà báo) từ Hà Nội vào TPHCM hầu tòa (phiên sơ thẩm, ông H được tại ngoại nhưng đến phiên phúc thẩm thì bị bắt tạm giam). Tôi một mình ra sân bay chờ. Hồi đó, là phóng viên không chuyên chụp ảnh, tôi xài máy kỹ thuật số đời đầu 1.2, phải đứng thật gần mới chụp hình có nét. Khi ông H cùng vài người thân bước ra cổng đến ở sân bay, tôi tiếp cận ngay trước mặt, đưa máy hình lên chụp lia lịa. ông H né vào vai người thân để tránh bị chụp ảnh. Ông né bên này rồi né bên kia mà tôi vẫn không tha. Ông tỏ ra rất ức chế, bước lên trước mặt tôi và quát: “Đây- chụp đi”. Ngay lúc đó, một người thân của ông H có dáng cao to (sau này tôi mới biết là con rể - cũng là nhà báo) thấy bất nhẫn, đã lao vào tính ăn thua đủ với tôi. Tôi phải bỏ chạy một đoạn xa để tránh bị hành hung. Sau đó, đứng từ xa, tôi chứng kiến gia đình ông H lên taxi, lòng tôi chứa bao cay đắng. Câu chuyện bị rượt chạy ở sân bay, tôi có tâm sự với nhà báo Nguyễn Hồng Lam - Báo An ninh thế giới khi tôi và anh Nguyễn Hồng Lam theo dõi phiên tòa và Lam có phản ánh việc tôi bị đuổi đánh lên báo An ninh thế giới. Một người thân của tôi ở quê nhà miền Trung đọc được, gọi điện thoại hỏi thăm. Tôi cảm ơn và trả lời: “Cháu xứng đáng bị rượt đánh”.

Day dứt khó nguôi… ảnh 1

Nhờ anh Dương Thanh Tùng công tác ở Đài Truyền hình TPHCM giúp sức, tôi có bài phỏng vấn (độc quyền) thẩm phán- chủ tọa phiên tòa đăng trên báo Tiền Phong. Bài báo có tựa: “Ngày làm việc thứ... 58 của ông chủ tọa Bùi Hoàng Danh”

Cũng cần nói thêm. Trong những ngày theo dõi phiên tòa với vai trò là nhà báo, tôi và người nhà của ông H “đụng” mặt nhau suốt, không ai nói với ai lời nào. Ông H chính là người ký tên trong Thẻ Hội viên mà tôi mang theo bên mình lúc ấy.

Day dứt khó nguôi… ảnh 2

Máy ảnh kỹ thuật số đời đầu 1.2 dùng để chụp nhà báo H ở sân bay, tôi còn lưu giữ

Gần 20 năm rồi nhưng chuyện tôi chụp ảnh nhà báo H luôn khiến tôi day dứt. Cách tác nghiệp lăn xả, cố chấp, ăn thua bỏ qua những hành xử đạo lý thông thường của một thời nông nổi là bài học luôn khắc dấu đến hôm nay.

Phiên tòa kết thúc với hàng loạt án tử hình được tuyên gây chấn động dư luận. Nhờ anh Dương Thanh Tùng, lúc bấy giờ là phóng viên thời sự Đài truyền hình HTV kết nối, 9 giờ sáng ngày 6/6/2003- nghĩa là ngày đầu tiên sau khi kết thúc phiên tòa lịch sử, tôi đã đến phòng làm việc của ông Bùi Hoàng Danh- chủ tọa phiên tòa để thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với nhiều thông tin quý, mang tính chất “hậu trường” của một phiên tòa có một không hai.

Bài báo sau đó được đăng kịp thời trên nhật báo Tiền Phong với tựa: “Ngày làm việc thứ...58 của ông Chủ tọa Bùi Hoàng Danh”, ký tên chung: Lý Thành Tâm và Dương Thanh Tùng. Ngay sau khi báo phát hành, tôi gọi điện thoại cho anh Tùng, anh dặn tôi mang báo đến tặng ông Danh. Riêng nhuận bút, anh nói: “Phần em hết, anh chỉ giúp kết nối. Được đứng tên trên báo Tiền Phong là vui rồi”. Gần 20 năm trôi qua. Anh Tùng lên TGĐ Đài Truyền hình HTV. Thỉnh thoảng họp hành, tôi có gặp anh. Anh già đi nhiều. Cách đây hơn một năm, anh Tùng ra đi đột ngột sau một cơn đột quỵ khi chỉ mới bước qua tuổi 53. Với tôi, anh là nhà báo lại là quản lý nhưng anh là người hiền, rất hiền. Thương anh! Thương cho kiếp người mong manh vô thường.

MỚI - NÓNG