Dày đặc thủy điện tại Nghệ An: Vẫn thẩm định thêm dự án?

Diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng sẽ bị ảnh hưởng nếu dự án thủy điện Tiền Phong triển khai
Diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng sẽ bị ảnh hưởng nếu dự án thủy điện Tiền Phong triển khai
TP - Từng bị buộc dừng do vướng vào đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng nhưng thủy điện Tiền Phong vẫn được Sở Công thương Nghệ An thẩm định thiết kế kỹ thuật; thông báo bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2025 trong bối cảnh tỉnh này đã dày đặc các công trình thủy điện.

Hồ sơ dang dở, dự án thủy điện vẫn thông báo khởi công

Ngày 23/7/2015, tỉnh Nghệ An có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng công trình (tỷ lệ 1/2.000) và Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu nhà máy và đập đầu mối công trình thủy điện Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An). Trước đó, Quy hoạch xây dựng công trình thủy điện Tiền Phong được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại quyết định số 1020/QĐ-UBND ngày 27/3/2013, chủ đầu tư là Cty TNHH Prime Quế Phong (đại diện Cty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong). Dự án này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2011 với quy mô diện tích 8,5 ha.

Đầu năm 2018, Cty TNHH MTV Thủy điện Tiền Phong phát thông báo đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về việc khởi công xây dựng thủy điện Tiền Phong vào ngày 15/3/2018. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều ý kiến đề nghị Cty này hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi khởi công.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: “Ngày 2/3/2018, huyện nhận được thông báo khởi công của Cty TNHH MTV thủy điện Quế Phong. Ngày 3/3/2018, huyện ra văn bản đề nghị Cty này thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cũng như hoàn thiện các hồ sơ, trình tự thủ tục trước khi khởi công. Đồng thời giao Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với diện tích rừng tại khu vực xây dựng Dự án thủy điện Tiền Phong cho đến khi chủ đầu tư hoàn tất các hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Được biết, trong tổng số 8,5 ha khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy thủy điện Tiền Phong mới chỉ có 3,75 ha đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, còn lại 4,75 ha (có rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) chưa được chuyển đổi. Như vậy, căn cứ theo các quy định hiện hành của pháp luật, Dự án này chưa đủ điều kiện để triển khai tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, từ Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vối công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR), thì diện tích 3,75 ha đất lâm nghiệp đã chuyển đổi cũng thuộc trong đối tượng phải rà soát, đánh giá lại các tác động tiêu cực đến hiện trạng rừng, môi trường tự nhiên, tính đa dạng sinh học. Còn đối với diện tích 4,75 ha thuộc đối tượng không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác (trừ các dự án quốc phòng, an ninh, các dự án cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Dày đặc dự án, vẫn kiến nghị làm thủy điện

Ngày 6/4/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An ra công văn số 794/SNN-KL về việc thi công công trình thủy điện Tiền Phong tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Sở này đã đề nghị Cty TNHH MTV thủy điện Tiền Phong thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong khi chờ ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng nói, trong khi chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An lại ký công văn số 210/SCT-QLNL thông báo kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Tiền Phong. Trong đó, kiến nghị Cty TNHH MTV thủy điện Tiền Phong chỉnh sửa theo nội dung tại báo cáo thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Tiền Phong do Cty CP tư vấn xây dựng Điện và môi trường quốc tế lập; Bổ sung Dự án thủy điện Tiền Phong vào trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035; Thực hiện chuyển đổi mục đích rừng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với phần diện tích 4,75 ha còn lại; Chỉnh sửa các số liệu thống nhất giữa các tập hồ sơ thuyết minh của dự án.

Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: “Sở Công Thương chỉ quản lý nhà nước, theo dõi, chỉ đạo đầu tư về công tác quy hoạch, đầu tư các dự án thủy điện. Thủy điện Tiền Phong đang lập hồ sơ để trình hồ sơ thủ tục. Quan điểm của ngành là rất chia sẻ với nhà đầu tư”.

Ngày 27/12/2018, ông Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch tỉnh ký công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Thủy điện Tiền Phong có tên trong danh mục 27 dự án thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Đinh Viết Hồng lại nói: “Thủy điện Tiền Phong đang được tỉnh báo cáo với Trung ương vì liên quan đến rừng tự nhiên. Hiện tại, dự án này đang dừng lại".      

Toàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.407,1 MW. Sau khi rà soát đã loại 15 dự án do hiệu quả thấp. Hiện, tỉnh Nghệ An còn 32 dự án với tổng công suất 1.359,9 MW. Trong số đó có 13 dự án đã vận hành phát điện với công suất 780,5 MW; 2 dự án đang chạy thử chuẩn bị vận hành phát điện công suất 75MW; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai…

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.