Đau và day dứt

Biên kịch Phan Thanh Tú
Biên kịch Phan Thanh Tú
TP - Ngoài hai biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư, thêm một đạo diễn của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư - Việt Nga kiến nghị lên Bộ VHTT&DL phản đối đề cử giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thước. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong đưa thông tin về vụ việc này trong bối cảnh đề cử đã qua vòng cơ sở và cấp Bộ để trình lên cấp Nhà nước.

> Hiểu lầm đáng tiếc?

Phim tài liệu “Sự nhọc nhằn của cát”- một trong những căn cứ để đạo diễn Nguyễn Thước xin xét giải, gây bức xúc của các nữ biên kịch
Phim tài liệu “Sự nhọc nhằn của cát”- một trong những căn cứ để đạo diễn Nguyễn Thước xin xét giải, gây bức xúc của các nữ biên kịch.

“Anh Thước không xứng đáng, còn tôi không sợ mất quyền lợi”

Mới đây, biên kịch Phan Huyền Thư nói với PV Tiền Phong, nếu Nguyễn Thước xin xét giải chỉ với tư cách đạo diễn thì chị có không có ý kiến gì, nhưng trong thư gửi PV Tiền Phong ngày 11-7 chị tỏ thái độ căng hơn:

“Quan điểm của tôi là anh Nguyễn Thước không xứng đáng với giải thưởng Nhà nước 2011. Vì hai lý do. Thứ nhất: Anh Thước xin xét giải thưởng với tư cách đạo diễn của ba phim: Sự nhọc nhằn của cát (Bông sen Bạc LHP 14 cho phim, Bông sen Vàng cho kịch bản của Phan Thanh Tú); Những công dân @- bằng khen khuyến khích của BGK LHP 14; Chất xám không có giải thưởng nào ở LHP 16 ngoài Bông sen Vàng cho biên kịch Phan Huyền Thư.

Vậy tiêu chuẩn nào để anh tự cho mình xứng đáng giải thưởng Nhà nước với chức danh đạo diễn? Cá nhân tôi đánh giá các phim này chất lượng không có gì quá xuất sắc.

Thứ hai: Về tư cách của một đạo diễn. Anh Thước âm thầm gửi hồ sơ lên Hội đồng xét giải mà chẳng thông báo hay chia sẻ với thành phần đoàn làm phim. Chỉ đến khi hội đồng công bố danh sách có tên anh Thước với số phiếu đề cử 11/11 trên website của Bộ VHTTDL, tôi và chị Tú mới biết.

Anh Thước trả lời báo chí là chúng tôi sợ anh được giải thì sẽ không có cơ hội xin xét giải cho biên kịch là rất hồ đồ. Vì giải thưởng cá nhân của chúng tôi có bằng khen, tên họ đích danh làm sao mà phải sợ mất quyền lợi?”.

Đạo diễn - tiến sĩ Việt Nga (ảnh nhân vật cung cấp)
Đạo diễn - tiến sĩ Việt Nga (ảnh nhân vật cung cấp).

“Đau và day dứt”

Từ một nhà biên kịch, Nguyễn Thị Việt Nga theo học và trở thành đạo diễn phim tài liệu và là tiến sĩ. Chị kể về sự “bất công” trong giới mình.

Năm 1997 kỉ niệm 40 năm ngày thương binh liệt sĩ, nhà nước phong bà Nguyễn Thị Hồng (Năm Hồng) thương binh 4/4 danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2000 tôi đăng ký đề tài với Hãng viết kịch bản phim tài liệu về cuộc đời phi thường và cống hiến của người nữ anh hùng vượt lên số phận, một mình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong những cánh rừng hoang vu. Một kịch bản đầy tính nhân văn. Giám đốc Hãng giao cho đạo diễn Lại Văn Sinh thực hiện.

Tháng 12-2000, phim Chị Năm Khùng được giải Phim ngắn xuất sắc nhất LHP châu Á Thái Bình Dương. Hãng viết bản tin chào mừng đoàn làm phim, trên bảng đen có đủ mọi thành phần kể cả chủ nhiệm phim, chỉ không có tên tác giả kịch bản.

Đến ngày cơ quan liên hoan, mời tất cả bạn bè trong và ngoài Hãng đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ăn liên hoan chào mừng ba phim của Hãng liền ba năm được giải phim ngắn xuất sắc nhất LHP châu Á -Thái Bình Dương. Tất cả các thành phần trong ba đoàn làm phim (kể cả lái xe) đều được giấy mời đi dự liên hoan. Riêng tôi không được mời.

Anh Lại Văn Sinh, sau khi nhận ba giải Vàng tại các LHP quốc tế và quốc gia, tháng 12- 2001 được Nhà nước xét tặng NSƯT và nhiều thứ khác.

Nỗi đau không được dự LHP, không được đi ăn cỗ không bằng nỗi đau nhân tình thế thái. Bản thân tôi vẫn cố gắng công tác tốt, phấn đấu vươn lên, song tôi vẫn luôn day dứt về sự nhìn nhận đánh giá chưa công bằng đối với biên kịch.

Không riêng tôi, ở Hãng phim tài liệu đã có nhiều thế hệ biên kịch làm nên tên tuổi các bộ phim, đem đến sự thành danh của đạo diễn, quay phim, thu thanh. Nhưng cho đến lúc về hưu, lặng lẽ như cán bộ công chức, viên chức bình thường chứ không phải là nhà biên kịch hay nghệ sĩ này, nghệ sĩ khác.

NSƯT Nguyễn Thanh Vân nói: “Biên kịch là biên kịch, đạođdiễn là đạo diễn, sao lại thắc mắc. NSƯT, NSND là danh hiệu công nhận chuyên môn, sao lại phân biệt đạo diễn chỉ được xét danh hiệu, không được xét giải thưởng”.

Thưa đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, tôi nghĩ rằng danh hiệu NSƯT, NSND là Nhà nước tặng cho các nghệ sĩ có đóng góp trong sáng tạo nghệ thuật, chứ không phải là danh hiệu công nhận chuyên môn. Việc công nhận chuyên môn đã có ở thang bảng lương: Đạo diễn thường, đạo diễn chính, đạo diễn cao cấp.

Tôi đọc bài “Đời cát và những dự báo đầy tin cậy của văn học” của Nguyễn Minh Khôi, có đoạn: “Năm 1996 báo Văn nghệ đăng truyện ngắn “Ba người trên sân ga” của Hữu Phương. Truyện ngắn này ấn tượng đến nỗi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lập tức tìm đến nhà văn Nguyễn Quang Lập, đề nghị chuyển thể kịch bản điện ảnh. Suốt mấy năm trời, Nguyễn Quang Lập viết đi viết lại đến 7 lần mới hoàn chỉnh... Văn học đã làm nhiệm vụ đi trước một bước trên hành trình tìm kiếm, khám phá và tôn vinh cái đẹp đích thực, cái đẹp cao cả giữa bao nhiêu xô bồ, hỗn độn của cuộc sống muôn chiều, đa dạng…”.

Cũng ngay sau Đời cát, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2007 anh lại nhận tiếp giải thưởng Nhà nước về VHNT cho bộ phim Đời cát, còn nhà văn Hữu Phương, nhà văn Nguyễn Quang Lập- những người miệt mài trong những đêm không ngủ để viết một truyện ngắn, một kịch bản phim, thử hỏi đã được nhà nước phong tặng những gì?”.

Biên kịch Phan Thanh Tú
Biên kịch Phan Thanh Tú.

“Chúng tôi vẫn chờ cơ hội”

Trong bài gửi Tiền Phong và qua cuộc điện thoại ngày 11-7, nhà biên kịch Phan Thanh Tú khẳng định chị không thỏa hiệp với việc đạo diễn Nguyễn Thước được đề cử:

“Sau khi Bộ VHTT&DL công bố danh sách tác phẩm, cụm công trình được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT lĩnh vực điện ảnh, nhiều đồng nghiệp đã thông báo, chia sẻ với tôi vì trong số đó có một phim do tôi viết kịch bản. Đó là niềm vui hay nỗi buồn?

Tôi có thâm niên trong nghề biên kịch, cũng đạt không ít giải thưởng. Nhiều đồng nghiệp nhắc nhở nên làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu NSƯT. Nhưng, cũng như nhà văn và nhạc sĩ, giới biên kịch nằm ngoài tiêu chí của danh hiệu. Vậy là không có gì bức xúc. Bao nhiêu nhà văn, nhạc sĩ mà mình kính cẩn nghiêng mình đều không được danh hiệu này. Biên kịch tôi thân bèo bọt, có gì mà buồn!

Cứ phấn đấu đi, những danh hiệu giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ là cái đích nếu mình có đóng góp xứng đáng.

Các đồng nghiệp cùng thời, ngang tài, ngang sức đều là NSƯT từ lâu, sắp sửa NSND. Biên kịch tôi có niềm tự hào của người cầm bút, không hề ganh tị, chỉ mừng cho đồng nghiệp đạo diễn, quay phim, âm thanh, ánh sáng được Nhà nước ta ưu ái.

Trong đợt xét giải thưởng Nhà nước lần này, một số bạn bè tính cơ số giải thưởng của tôi cũng kha khá, mới giục tôi làm hồ sơ. Nhưng tôi cứ thấy thế nào ấy. Còn bao bậc đàn anh kỳ tài vẫn chưa được xét. Vậy nên tôi nghĩ sẽ chờ đợi một dịp thích hợp hơn.

Điều đáng nói là đạo diễn Nguyễn Thước đã lấy ba công trình tập thể để tự trình xin giải cho mình trong khi anh không hề được một giải cá nhân nào. Còn hai biên kịch lại được giải Vàng - Biên kịch xuất sắc nhất cho phim tài liệu (Phan Thanh Tú- phim Sự nhọc nhằn của cát và Phan Huyền Thư - Chất xám).

Với những giải thưởng khiêm tốn như thế thật khó có thể trao giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình này, chưa kể lại trao cho đạo diễn Nguyễn Thước. Với ba bộ phim tự đề cử bằng một giải Bạc quốc gia duy nhất cho phim mà đạo diễn Nguyễn Thước vẫn cho rằng mình xứng đáng với giải thưởng Nhà nước thì kể cũng lạ!

Tôi là người sôi nổi nhưng không thích ầm ĩ, càng không thích chuyện kiện tụng. Tuy nhiên, tôi luôn mơ ước và muốn được hưởng sự công bằng. Lại là người khá dũng cảm (chiến sĩ văn công quân giải phóng B2 mà; Đi B lúc 17 tuổi, không biết sợ bom đạn, không sợ cái chết, dám quên mình vĩ nghĩa lớn).Vậy là tôi cùng Phan Huyền Thư gửi đơn kiến nghị (không phải đơn kiện) lên ông Bộ trưởng, Hội đồng xét giải của Bộ và các thành viên có liên quan.

Đạo diễn Nguyễn Thước nói về kịch bản sao mà dễ thế. Vậy sao anh không tự viết lấy cho mình ít nhất một kịch bản trong đời, tội gì phải làm phim từ kịch bản của người khác, rồi lại nhờ người khác viết lời bình. Làm phim như thế thì còn bao nhiêu “cái” của mình nữa, sao gọi là phim của mình, phim tác giả. Hay làm phim bằng suy nghĩ, bằng chất xám của người khác dễ hơn? Chê biên kịch, hạ thấp vai trò của nhà biên kịch, của kịch bản, lại phải bám vào đó mà không sợ người ta cho là bạc bẽo hay sao!

Trong đời làm nghệ thuật, chắc ai cũng ít nhiều mơ đến giải thưởng. Có lúc cố quá cũng không được. Nhưng đôi khi “cố quá” cũng có kết quả! Báo chí đăng nhiều thì thành ra “thương hiệu”. Còn người ta có phục hay không lại là chuyện khác.

Thời gian vẫn còn nhiều, đạo diễn Nguyễn Thước cũng như hai nhà biên kịch chúng tôi vẫn có thể có cơ hội để giành giải thưởng cho mình, để tích điểm, chờ đến một ngày...”.

Anh Thước trả lời báo chí là chúng tôi sợ anh được giải thì sẽ không có cơ hội xin xét giải cho biên kịch là rất hồ đồ. Vì giải thưởng cá nhân của chúng tôi có bằng khen, tên họ đích danh làm sao mà phải sợ mất quyền lợi?

Thời gian vẫn còn nhiều, đạo diễn Nguyễn Thước cũng như hai nhà biên kịch chúng tôi vẫn có thể có cơ hội để giành giải thưởng cho mình, để tích điểm, chờ đến một ngày…

Nỗi đau không được dự LHP, không được đi ăn cỗ không bằng nỗi đau nhân tình thế thái.

P.V.V (tổng hợp)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.