Đầu tư công dàn trải, giải ngân 'tắc'

Năm 2017, Dự án nhà máy thép Việt Trung từng là dự án đầu tư dàn trải của ngành Công thương Ảnh: Minh Châu
Năm 2017, Dự án nhà máy thép Việt Trung từng là dự án đầu tư dàn trải của ngành Công thương Ảnh: Minh Châu
TP - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội của đánh giá, việc phân vốn đầu tư công về cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn và giải ngân quá chậm là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án quan trọng quốc gia không bảo đảm tiến độ, chưa tuân thủ quy định về tổng mức đầu tư đã quyết định.

Ngăn chặn đầu tư tùy tiện

Tiếp tục phiên họp thứ 29, Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trong trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo của Chính phủ, qua 3 năm thực hiện, cơ cấu vốn đầu tư công chuyển dịch theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư. 

Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện, đã khắc phục cơ bản tình trạng các cơ quan quyết chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn. Tổng số dự án của kế hoạch đầu tư công trong trung hạn là 9.620 dự án, số dự án hoàn thành đạt 65,4%. Tình trạng đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản cơ bản được khắc phục.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu đầu tư, nhiều dự án cấp bách quan trọng, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Bên cạnh đó, việc phân bổ chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, vốn bố trí cho các dự án khởi công mới không đủ; một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Theo Chính phủ, trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục triển khai giao kế hoạch hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, triển khai tổng kết vào cuối kỳ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Chỉ rõ trách nhiệm

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, việc phân vốn đầu tư công về cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, việc giao kế hoạch vốn và giải ngân quá chậm là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án quan trọng của quốc gia không bảo đảm tiến độ, chưa tuân thủ quy định về tổng mức đầu tư.

Mặc dù tỷ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng cho rằng, thực tế vẫn có thể làm được tốt hơn nữa khi hiệu quả đầu tư công của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 Singapore, 1/2 Thái Lan và 2/3 Trung Quốc.

Cũng theo ông Quang, hiệu quả đầu tư một số dự án còn thấp một phần do lỏng lẻo trong quản lý, vi phạm trong bố trí vốn đầu tư. Chính vì vậy cần phải làm rõ trách nhiệm trong việc bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội, Chính phủ đề ra.

MỚI - NÓNG