Đầu tàu kinh tế TPHCM có nguy cơ giảm tốc: Vì phụ nữ 'lười' sinh con

0:00 / 0:00
0:00
TP - TPHCM đang đối mặt nguy cơ già hóa dân số. Lối sống hiện đại và áp lực công việc quá lớn khiến nhiều phụ nữ có tâm lý không muốn sinh nhiều con.

Sau 10 năm kể từ ngày cậu con trai đầu lòng chào đời, chị Đặng Thủy Tiên (36 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) vẫn không muốn sinh thêm con thứ hai.

“Cả chồng và gia đình nội ngoại đều muốn tôi có thêm em bé nhưng tôi sẽ không sinh thêm. Tôi cho rằng hạnh phúc không đến từ việc phải có nhiều con. Vợ chồng tôi làm viên chức, khoản thu nhập hằng tháng khó có thể đảm bảo khi sinh nhiều con vì chi phí sinh đẻ, nuôi dưỡng một đứa trẻ bây giờ rất tốn kém. Mặt khác, chúng tôi không có thời gian chăm sóc cho đứa thứ hai nên tôi chỉ tập trung vào một bé để nuôi dạy cho tốt”, chị nói.

Đầu tàu kinh tế TPHCM có nguy cơ giảm tốc: Vì phụ nữ 'lười' sinh con ảnh 1

Tỷ suất sinh của phụ nữ tại TPHCM hiện trong nhóm thấp nhất cả nước

Có những trường hợp muốn sinh thêm con nhưng lại đối mặt vấn đề sức khỏe sinh sản. Chị Nguyễn Thị Sinh (40 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) cho biết: “12 năm trước, tôi sinh con gái đầu lòng. Thời điểm đó kinh tế khó khăn lại vừa phải đi làm vừa nuôi con, vất vả quá nên tôi đã cấy que tránh thai. Hơn 4 năm qua, vợ chồng tôi muốn có thêm em bé nhưng không thể mang thai tự nhiên vì vô sinh thứ phát. Chúng tôi đã 2 lần thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm nhưng chưa thể có thêm con vì trứng lép”.

“Số phụ nữ đến sinh sản tại Bệnh viện Hùng Vương TPHCM trong năm 2022 giảm hơn 40% so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Tôi cho rằng tâm lý sợ mang thai trong dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến quyết định có con của nhiều cặp vợ chồng. Mặt khác, năm Dần thường bị tác động bởi yếu tố quan niệm văn hóa, nhiều người không muốn sinh con đặc biệt là con gái tuổi Dần”.

TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

Bên cạnh áp lực công việc và cuộc sống, nhiều phụ nữ hiện nay không muốn sinh nhiều con vì lo ngại gặp nhiều rủi ro khi vượt cạn và sinh sản nhiều sẽ khiến họ không giữ được nhan sắc. Một bộ phận phụ nữ theo xu hướng hôn nhân không cần con cái hoặc lựa chọn cuộc sống độc thân.

Nghiên cứu các giải pháp

Phụ nữ sinh sản ở mức thấp đang là vấn đề được chính quyền TPHCM quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Từ năm 2020 khi phân tích về tỷ suất sinh của thành phố, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tỷ lệ sinh thấp là do người dân phải làm việc quá nhiều. Cả nước chỉ làm việc trung bình 44 giờ/tuần, còn TPHCM làm 54 giờ/tuần, bình quân 6,5-7 ngày/tuần.

Theo ông Nhân, việc hỗ trợ kinh phí để phụ nữ sinh sản nhiều nước phát triển đã thực hiện nhưng chưa khả quan, điều quan trọng nhất là phải có thời giờ để chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó, hệ thống y tế, giáo dục trong chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy trẻ phải làm tốt hơn. Giải pháp mang tính bền vững là người lao động cần làm việc ít hơn 8 giờ mỗi ngày để có thời gian dành cho gia đình.

Đề cập tỷ suất sinh của phụ nữ tại TPHCM hiện nay, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết: “Ước tính, năm 2022 tổng tỷ suất sinh của thành phố chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ. Tỷ suất này thấp hơn năm 2021 và thấp hơn nhiều so với tổng tỷ suất sinh của cả nước (khoảng 2,1 con/phụ nữ). TPHCM hiện là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước”.

Phân tích của đại diện Chi cục Dân số TPHCM chỉ ra, mức sinh thấp sẽ khiến thành phố đối mặt quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tăng trưởng, phát triển kinh tế. Già hóa dân số tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

Để cải thiện chất lượng dân số, ông Trung cho biết TPHCM đang tăng cường tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Mặt khác, thành phố cũng đang nghiên cứu các giải pháp như: hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng khi sinh con lần thứ hai, giảm thuế thu nhập cá nhân và cải thiện các hình thức chăm sóc trẻ như tăng thời gian trông trẻ, hỗ trợ y tế và dinh dưỡng cho cả bà mẹ và trẻ em.

TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM, cho biết, tỷ suất sinh của phụ nữ thấp vấn đề chính là các yếu tố xã hội, còn sức khỏe sinh sản và bệnh lý chỉ là thứ yếu. Dữ liệu tại bệnh viện cho thấy những người trí thức làm việc càng ở vị trí cao trong xã hội, càng bận rộn thì càng ngại sinh con vì họ dành quá nhiều thời gian cho công việc và phát triển sự nghiệp.

Hiện nay, xu hướng phụ nữ lập gia đình khá trễ, độ tuổi sinh con đã ở ngưỡng trung bình 28-29 tuổi. Khi độ tuổi càng lớn, càng hiểu biết về các biện pháp ngừa thai, phụ nữ thường đợi cho gia đình có điều kiện kinh tế vững vàng mới sinh con. Ngoài ra, ở thành thị, chi phí sinh con và nuôi dưỡng trẻ rất cao, thời gian nghỉ thai sản nuôi con của người mẹ chỉ có 6 tháng nên các cặp vợ chồng thường đối mặt những áp lực rất lớn.

Bà Hằng nói: “Thành phố chưa có hệ thống nhà trẻ công lập cho nhóm tuổi từ 6 đến 18 tháng. Trong khi đó, người mẹ hết kỳ nghỉ thai sản phải đi làm nên buộc phải gửi con tại các nhà trẻ tư thục. Gần đây, nhiều rủi ro và nguy cơ trẻ bị ngược đãi tại các nhà trẻ tư khiến những người có ý định sinh con thấy lo ngại. Thành phố cần chuẩn hóa hệ thống nhà giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi. Cùng với giá cả hợp lý thì kiểm soát chất lượng cần đặc biệt quan tâm để những cặp vợ chồng có ý định sinh con an tâm hơn về nơi gửi trẻ sau khi sinh sản”.

MỚI - NÓNG