Đấu Stabucks, Vũ Trung Nguyên có ‘nổ’?
> Vũ 'Trung Nguyên' lại đả kích Starbucsk
Nếu Trung Nguyên đang lấy bản sắc Việt làm cú ra đòn chính thì Starbucks dùng chiêu học hỏi bản sắc xứ người kết hợp với hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Ảnh: minh họa - Internet |
Ông John Culver, Giám đốc của Starbucks tại thị trường Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương nói rằng, Việt Nam là một thị trường năng động và phát triển nhất thế giới, còn công ty của ông “rất hãnh diện với việc, Việt Nam trở thành thị trường thứ 12 của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, trang mạng của BBC đưa tin: “Trung Nguyên có “nổ” hay không? Bài báo tóm lại ý kiến của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tổng Giám đốc Cà phê Trung Nguyên về tin Starbucks sẽ vào Việt Nam. Ông nói rằng, thật khập khiễng khi so sánh Trung Nguyên ở Việt Nam với Starbucks . Và Starbucks đang là “người khổng lồ đánh mất bản sắc”.
Đây không phải lần đầu tiên sếp Trung Nguyên có những phát biểu gây ồn ào dư luận. phe ủng hộ cho rằng, ông Vũ cần phải làm thế. Ta đang là chủ ở trên đất ta, chẳng lẽ người Việt lại không yêu nước mà đã yêu nước thì phải thích uống cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ cũng đã phát biểu trên báo chí rằng: “Dù sao thì đây cũng là đất của mình, quê hương của mình, đồng bào của mình, nói một lần không được sẽ nói nhiều lần, nếu nói nhiều lần không được thì nói ngàn lần chắc cũng phải tỉnh ra… ai thích giống tây, giống Mỹ thì tìm tới Starbucks, còn ai muốn uống cốc cà phê tuyệt hảo, muốn khơi nguồn sáng tạo, muốn yêu nước thì tìm tới Trung Nguyên”. Nghe đâu phe này còn khuyên rằng, để rèn luyện ý chí và thân thể, hàng ngày tốt nhất mỗi nhân viên Trung Nguyên nên tập thể thao bằng cách đấm bao cát trên có dán chữ “Starbucks” thay vì trước đây có thể dán chữ “nestle”.
Phe khác chỉ cười. Họ chờ xem “quân ta có thể cầm cuốc xẻng đào mồ chôn quân nó” hay không? Nếu chôn thì có lẽ cái mồ này cũng phải to kha khá. Vì khổng lồ mà chết thì to chuyện đấy, chỉ tính khâu khiêng vác đã mệt, nói chi tới hạ huyệt rồi hát khúc từ biệt nữa! Mà kiểm tra, kiểm điểm lại xem có “bao nhiêu” anh “khủng” trong làng kinh doanh thế giới đã “hy sinh” tại Việt Nam vì không cạnh tranh nổi với hàng Việt thì… chưa thấy!
Những người trung dung thì chăm chú nghiên cứu các động thái trong hệ thống quản trị và kinh doanh của Trung Nguyên cũng như quan sát cách thức Starbucks vào Việt Nam. Họ sẽ nhớ ra rằng, Trung Nguyên thời đỉnh điểm đã có đến dăm trăm quán cà phê, nay thì chỉ còn độ 60 quán, trong đó có 55 quán tại Việt Nam và 5 quán tại Singapore. Còn Starbucks thì chỉ trong 11 nước của khu vực châu Á - thái bình dương đã có tới 3.300 quán cà phê giải khát với quy chuẩn chặt chẽ và độc đáo. Mỗi tuần hãng này bán ra 20 triệu ly cà phê với doanh thu hàng chục triệu USD.
Thành công của Starbucks có được hiện nay là nhờ vào khả năng tiếp thị cực kỳ linh hoạt, thậm chí biến tiếp thị trở thành công việc của mỗi nhân viên bán cà phê. Bản thân howard Schultz cũng là một đối thủ đáng gờm: Ông đã từ bỏ công việc của mình ở newyork đến Seatle để theo đuổi việc bán cà phê, bắt đầu từ một công ty bé tí hon. Ông cũng không quản khó nhọc, lặn lội sang Italia để học cách pha chế cà phê nổi tiếng của người Italia và biến món cà phê của mình thành nổi tiếng.
Nghĩa là, nếu Trung Nguyên đang lấy “bản sắc Việt” làm cú ra đòn chính thì Starbucks lại dùng “chiêu” học hỏi bản sắc xứ người kết hợp với hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Thiên hạ đang chờ xem - tọa sơn quan cà phê đấu sẽ diễn biến ra sao.
Theo Doanh Nhân