Đầu mùa mưa đã lo… ngập nặng

Khu vực phường Thảo Điền, quận 2 thường xuyên ngập nặng dù mưa không lớn
Khu vực phường Thảo Điền, quận 2 thường xuyên ngập nặng dù mưa không lớn
TP - Dù mới bước vào mùa mưa, các cơn mưa hầu hết có vũ lượng không lớn nhưng nhiều khu vực ở TPHCM vẫn chìm trong biển nước hoặc có nguy cơ tái ngập.

Khu nhà giàu khóc ròng

Từ đầu tháng 5 đến nay, dù TPHCM mới xuất hiện vài cơn mưa với vũ lượng không cao nhưng đã khiến nhiều khu vực bị ngập nặng, người dân phải bì bõm lội bộ, hì hục dắt xe trong dòng nước đen ngòm. Nhiều người tỏ ra ngao ngán bởi tình trạng ngập diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp nào khắc phục.

Đặc biệt, khu vực phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM, được xem là khu “nhà giàu” nhưng cũng không thoát cảnh bì bõm lội nước sau những cơn mưa kéo dài chưa đến 15 phút đầu tháng 5 vừa qua. Mưa không lớn và thời gian không lâu nhưng khiến các tuyến đường như Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, đường số 41… ngập nặng kéo dài.

Nước ngập sâu hơn 30cm sau mưa và ngập kéo dài nhiều giờ khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, kinh doanh đình trệ, học sinh ngã nhào mỗi khi qua đoạn đường xấu. Ông Nguyễn Văn Hưng (56 tuổi, ngụ phường Thảo Điền) cho biết, ông sống ở đây hàng chục năm qua và tình trạng ngập ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. “Chưa vào mùa mưa mà đã ngập liên tục, nước ngập sâu có hôm lên đến đầu gối, phải 5 tiếng đồng hồ mới rút khiến mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, mọi người không dám ra ngoài”, ông Hưng nói.

Còn bà Lê Thị Hà (ngụ đường Quốc Hương) cho biết, khu vực này thường xuyên ngập nặng trong nhiều năm qua dù mưa không lớn. Để chống ngập cho khu vực này, hiện nay, có ba dự án liên quan đang triển khai. Do khu vực phường Thảo Điền có địa hình thấp nên có dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ngang, quận Thủ Đức đến khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2 do Trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư đang tổ chức thi công. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ ngăn chặn được tình trạng triều cường từ sông Sài Gòn xâm nhập vào bên trong.

Song song với đó, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Xuân Thủy, Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng và dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, sớm nâng cao cục bộ tuyến đường Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng hỗ trợ chống ngập do mưa kết hợp triều cường. Ngoài ra, khu vực này dự án còn có hạng mục xây dựng bốn trạm bơm để bơm nước thoát ra sông vào những lúc mưa lớn gặp triều cường.

Sân bay Tân Sơn Nhất khó hết ngập

Dù có địa hình cao hơn khu vực xung quanh nhưng sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đang thường trực nỗi lo ngập nặng khi vào mùa mưa. Theo lãnh đạo UBND quận Tân Bình, địa phương này đang thực hiện nhiều dự án thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ở đây đều gặp nhiều bất cập.

Các con kênh xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất đóng vai trò thoát nước ngày càng bị thu hẹp bởi nạn xả rác bừa bãi và lấn chiếm của người dân khiến việc chống ngập càng nan giải hơn. Ghi nhận thực tế của phóng viên, kênh Hy Vọng - một trong những kênh thoát nước quan trọng của khu vực sân bay, nhất là đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích, bị bao phủ bởi đủ các loại rác thải. Khu vực mương A41, đoạn chảy qua khu dân cư phường 4, quận Tân Bình cũng chịu chung cảnh ngộ khi rác thải, bùn đất đã bồi cao.

 Dù vậy, các dự án cải tạo các kênh thoát nước khu vực sân bay dự án như cải tạo kênh Tân Trụ, kênh A41 đã được phê duyệt từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ. Đại diện UBND quận Tân Bình cho rằng, việc triển khai các dự án cải tạo kênh gặp nhiều khó khăn ở công đoạn giải toả mặt bằng do các hộ dân ở đây đa số là quân nhân, được cấp nhà đất. Còn dự án cải tạo  kênh Hy Vọng đi vào bế tắc khi Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM”.

Theo quy hoạch TPHCM có khoảng 6.000 km cống thoát nước nhưng mới chỉ đạt khoảng một nửa, nhiều tuyến đường chưa có cống thoát nước.

GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng, tình trạng ngập tại TPHCM ngày càng nghiêm trọng là hậu quả của quá trình đô thị hóa làm mất đi sự điều hoà tự nhiên. Bên cạnh đó, quy hoạch thoát nước chưa bài bản, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xả rác..., làm tắc nghẽn dòng chảy cũng đang phổ biến. Để giải quyết tình trạng ngập, ông Bá cho rằng, TPHCM cần làm lại quy hoạch, xác định hệ thống thoát nước, chống ngập mang đặc thù riêng như cống thoát nước phải rộng, tiết diện lớn hơn so với các nơi khác.

MỚI - NÓNG