Dấu hỏi sức mạnh của liên minh Hồi giáo chống IS

Máy bay của Không quân Saudi Arabia. Ảnh: AFP.
Máy bay của Không quân Saudi Arabia. Ảnh: AFP.
Một số chuyên gia nhận định, liên minh Hồi giáo chống khủng bố chỉ mang tính biểu tượng bởi họ chưa thể giải quyết xung đột giữa các nước Arab vốn tạo điều kiện cho IS bành trướng.

34 quốc gia Hồi giáo ngày 15/12 thông báo thành lập liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác. Phát biểu về “căn bệnh tác động tới thế giới Hồi giáo”, Mohammed bin Salman, Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, nói liên minh mới nhấn mạnh “sự cảnh giác của thế giới Hồi giáo” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

“Đây là cuộc chiến của chúng ta và cuộc chiến của người Hồi giáo”,Christian Science Monitor dẫn tuyên bố của chính phủ Jordan khi tham gia liên minh chống IS cho hay.

Chỉ mang tính biểu tượng

Theo một số chuyên gia khủng bố, thông báo thành lập liên minh Hồi giáo chống IS có thể nhằm xoa dịu thế giới. Các vụ tấn công ở Paris (Pháp) và San Bernardino (Mỹ) đòi hỏi người Hồi giáo hành động chống các mối đe dọa khủng bố cực đoan đang tăng nhanh chóng.

“Saudi Arabia đang chịu rất nhiều áp lực từ những việc họ đang làm tại Yemen, gồm cáo buộc truyền bá học thuyết Wahhabi cực đoan, tới việc hạn chế hành động khi tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Iraq và Syria. Do đó, cá nhân tôi cho rằng thông báo này mang giá trị tuyên truyền đối với Saudi Arabia”, Aaron David Miller, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ về các vấn đề Trung Đông, nhận định.

“Chúng ta đã có liên minh gồm 65 nước tham cuộc chiến chống IS và chỉ 6 nước nổi trội, có đủ khả năng. Do vậy, liên minh 34 nước Hồi giáo không có gì khác ngoài giá trị tượng trưng”, ông Miller nói.

Đồng tình với ông Miller, Farea al-Muslimi, một chuyên gia về chính trị vùng Vịnh và Yemen thuộc Trung tâm Trung Đông Carnegie Endowment tại Beirut (Lebanon), nhận định: "Tôi nghĩ rằng (liên minh mới) không mang lại điều gì ngoài tính biểu tượng. Nó là phản ứng đáp trả những lời chỉ trích quốc tế rằng các nước Hồi giáo không hành động để ngăn chặn IS".

Theo chuyên gia Muslimi, thông báo thành lập liên minh có thể không mang lại kết quả nếu các quốc gia Hồi giáo và những nước Hồi giáo dòng Sunni, đặc biệt là Saudi Arabia, không thể giải quyết xung đột, vốn tạo điều kiện cho các nhóm như IS tăng cường bành trướng.

"IS và nhiều nhóm khủng bố khác như al-Qaeda sẽ phát triển mạnh nếu các cuộc xung đột ở Yemen, Syria, Libya tạo khoảng trống quyền lực và không thể kiểm soát lãnh thổ", ông Muslimi nói.

Trong một số trường hợp, các nước Hồi giáo đã “tiếp tay” IS. Ví dụ, sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia tại Yemen trong 9 tháng đã mở đường cho nhóm cực đoan mở rộng vùng đất phía nam. Theo ông Muslimi, IS đã lợi dụng tình hình hỗn loạn và sự sụp đổ chính phủ ở một nước nghèo như Yemen để bành trướng.

Nhiệm vụ khó khăn

Giới lãnh đạo các nước Arab đưa ra vài điểm mà liên minh quân sự Hồi giáo sẽ thực hiện để chống khủng bố. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy họ hiểu xung đột tại các nước Hồi giáo sẽ khiến các tổ chức khủng bố phát triển mạnh như thế nào.

Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Paris của Pháp, Adel al-Jubeir, Ngoại trưởng Saudi Arabia, nêu trường hợp của Libya. Cuộc chiến giữa các phe phái chính trị đã tạo kẽ hở để nhóm phiến quân câu kết với IS thành lập chi nhánh tại thành phố Sirte trên Địa Trung Hải. Các chuyên gia đánh giá hiện đây là cơ sở quan trọng thứ hai của nhóm khủng bố, sau thành trì ở Raqqa (Syria).

Ông Jubeir cho rằng, các nước Hồi giáo có thể yêu cầu liên minh quốc tế trợ giúp để chống chủ nghĩa khủng bố. Thậm chí, các nước láng giềng của Libya, nơi sự tranh giành quyền lực đã tạo điều kiện cho IS phát triển, cũng có thể kêu gọi một liên minh mới.

Liên minh quân sự Hồi giáo đặt trụ sở tại Riyadh của Saudi Arabia. Thành viên của nhóm sẽ chia sẻ thông tin và chuẩn bị “nhiệm vụ hỗ trợ” các nước khác. Ngoài ra, liên minh cũng tập trung vào cuộc chiến tư tưởng, chống chiến dịch tuyên truyền do IS đang thực hiện.

“Điều này có nghĩa là các nước sẽ phải nghiêm túc khi chia sẻ thông tin và thực hiện các nỗ lực ngăn chặn hoạt động tuyển mộ (cho các nhóm khủng bố)”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Miller nói.

“Thật tốt nếu các nước Hồi giáo tập trung chia sẻ thông tin tình báo. Các giáo sĩ và lãnh tụ Hồi giáo lên án chủ nghĩa cực đoan cũng là điều tuyệt vời. Nếu họ cam kết triển khai 5.000 quân để phối hợp với Mỹ, tôi hoan nghênh”, ông Miller nhấn mạnh.

Christian Science Monitor nhận định, có lẽ đánh giá lạc quan nhất về việc thành lập liên minh Arab chống IS là họ đang trang bị thêm lực lượng gìn giữ hòa bình của người Hồi giáo. Các nhà ngoại giao nhận định đó là điều cần thiết, một phần của hiệp định hòa bình toàn diện và quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia cũng ám chỉ điều này khi phát biểu trong một cuộc họp báo tại Riyadh. Theo ông Salman, mọi vai trò của liên minh Hồi giáo ở Iraq và Syria đều liên quan tới "phối hợp với các nước lớn và tổ chức quốc tế".

Mỹ, Nga và các cường quốc khác đang cố gắng đạt hiệp định ngừng bắn và kế hoạch chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm chấm dứt cuộc nội chiến gần 5 năm. Ngoại trưởng John Kerry đã tới Moscow để họp bàn với Tổng thống Vladimir Putin và cuộc đàm phán về vấn đề Syria sẽ tiếp tục tại New York vào ngày 18/12 tới.

Cộng đồng quốc tế chào đón cam kết mới của các nước Hồi giáo nhằm chống khủng bố. Nhưng theo chuyên gia Muslimi, để đánh bại IS, al-Qaeda và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác, các cuộc chiến phe phái cần được dập tắt.

Đề cập tới cuộc xung đột ở Yemen với sự can thiệp của Saudi Arabia nhằm chống lại người Houthis dòng Shiite, ông Muslimi nói, cuộc chiến khiến hàng triệu người không có thức ăn và khiến khu vực phía nam Yemen rơi vào tay IS. "Xung đột kéo dài thêm một ngày bằng 10 ngày vàng cho phiến quân IS”, ông nhấn mạnh.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG