Theo các bác sỹ, ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư thanh quản. Điều đặc biệt nguy hiểm là bệnh chỉ có triệu chứng sớm duy nhất là khàn tiếng kéo dài.
Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây bệnh, nhưng người ta đề cập tới các yếu tố có liên quan tới bệnh sinh:
Giới tính: chủ yếu hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, nhiều tác giả cho rằng phụ nữ ít bị bệnh này là do ít tiếp xúc với các yếu tố có liên quan đến gây bệnh so với nam giới.
Tuổi: hay gặp ở độ tuổi từ: 50-70 tuổi (72%), từ 40-50 tuổi ít hơn (12%). Riêng với phụ nữ nếu bị bệnh này thì ở độ tuổi sớm hơn.
Thuốc lá: nhiều người cho đó là một yếu tố quan trọng góp phần phát sinh ung thư thanh quản cũng như ung thư phổi.
Các yếu tố kích thích của khí hậu, ảnh hưởng của nghề nghiệp (phải tiếp xúc với các chất khí, bụi bẩn, hóa chất...) hoặc viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hóa).
Biểu hiện của bệnh:
Với các thể viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, bạch sản là thể dễ bị ung thư hóa, vì vậy các thể này còn được gọi là trạng thái tiền ung thư. Các u lành tính của thanh quản cũng dễ bị ung thư hóa nhất là loại u nhú thanh quản ở người lớn chiếm tỉ lệ khá cao.
Tùy theo vị trí của ung thư khác nhau mà các triệu chứng lâm sàng cũng khác nhau, kể cả thời gian xuất hiện. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng nhiều người mất tiếng, khàn tiếng kéo dài đi khám thì đã ở giai đoạn muộn.
Khàn tiếng: ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng.
Khó thở: xuất hiện và tăng dần mặc dù triệu chứng này đã có từ lâu nhưng ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thích ứng được, nhưng sau đó xuất hiện từng cơn khó thở, nguy kịch nhất là khi bị kích thích dẫn đến co thắt thanh quản, đôi khi kèm theo một bội nhiễm thứ phát (đợt viêm cấp do cảm cúm, phù nề do tia phóng xạ) thì khó thở nặng.
Ho: cũng là triệu chứng hay gặp nhưng kín đáo và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt.
Đau: chỉ xuất hiện khi khối u đã lan đến bờ trên của thanh quản, nhất là khi khối u đã bị loét. Đau thường lan lên tai và đau nhói lúc nuốt. Đến giai đoạn muộn thì xuất hiện nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn trạng cũng bị ảnh hưởng.
Những bệnh lý hay gặp gây khản tiếng kéo dài:
Viêm thanh quản: thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.
Hạt xơ dây thanh: xuất hiện trên dây thanh làm cho 2 dây thanh đóng không kín. Thường gây ra tình trạng khàn tiếng kéo dài, hụt hơi, mệt mỏi.
Nang nước dây thanh: Cũng làm cho dây thanh đóng không kín nên tiếng nói bị khàn, có cảm giác vướng, đau họng.
U lành thanh quản như u xơ, polype: Các bệnh này gây ra tình trạng thanh quản không đóng kín, gây khàn tiếng. Nếu u to có thể gây ra chèn ép, khó thở.
Tổn thương dây thần kinh quặt ngược: Đây là dây thần kinh chi phối giọng nói. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, bị liệt, cũng gây ra khàn tiếng.
Ung thư thanh quản: Triệu chứng ban đầu có khi chỉ là khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân.
Khối u lớn có thể gây vướng, đau, khó nuốt, nếu chèn vào khí quản có thể gây khó thở. Có thể phát hiện những hạch cổ khi khối u đã di căn.