Ngày 20/8, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin, phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) vừa kết thúc lúc 4h30 sáng cùng ngày. Quy trình tổ chức đấu giá an toàn tuyệt đối từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc phiên đấu giá cuối cùng.
Đại diện Trung tâm cho biết, sau 9 vòng đấu giá, kết quả giá cao nhất trúng đấu giá là 133,3 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2. Về câu hỏi giá lô đất trúng đấu giá hơn 133 triệu đồng/m2 có quá cao so với giá thị trường, vị đại diện cho biết, so với mặt bằng giá đất ở các xã xung quanh như An Thượng, An Khánh, Vân Canh thì giá trúng tại phiên đấu giá 19 lô đất là “chưa cao hơn”.
“Khu này rất đẹp, gần Vành đai 4 và hạ tầng được huyện đầu tư bài bản về quy hoạch. Hạ tầng gồm có trường học, cây xanh thể thao và đê tả sông Đáy đã được nâng cấp. Ngoài ra, quanh khu vực này cũng không còn nhiều khu đất đấu giá”, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất chia sẻ.
Rao bán chênh hơn 900 triệu đồng
19 lô đất vừa được đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội |
Sau khi công bố kết quả đấu giá, đã có một số môi giới chào bán thửa đất vừa trúng đấu giá với tiền chênh gần 1 tỷ đồng. H là nhân viên sàn môi giới bất động sản T.V, đã chào bán lô đất vừa trúng đấu giá có diện tích hơn 90m2, với giá chênh 10 triệu đồng/m2.
“Bên em vừa trúng đấu giá lô đất LK04-01, có diện tích 91,68m2 với giá trúng là 121,3 triệu đồng/m2. Giá bên em bán là 131 triệu đồng/m2”, H cho biết.
Theo H, lô đất này là lô góc 3 mặt tiền, mặt đường vành đai 4 rất đẹp. “Giá như vậy là rẻ hơn lô bên cạnh cả tỷ đồng, hiện có rất nhiều người hỏi mua”, nhân viên sàn môi giới này nói.
Cùng với thông tin rao bán lô đất trên, H đưa ra Giấy xác nhận trúng đấu giá Quyền sử dụng đất lô đất có ký hiệu LK-04-01 với giá trúng đấu giá là 121,3 triệu đồng/m2.
Như vậy, nếu khách hàng mua lô đất LK04-01 mà H chào, sẽ phải trả số tiền chênh là hơn 910 triệu đồng. Tổng cộng, số tiền khách hàng phải trả cho lô đất khoảng 12 tỷ đồng.
Ngoài lô đất trên, H cho biết văn phòng của mình hiện có rất nhiều các lô đất trúng đấu giá. Trong đó, có nhiều lô đất của các huyện ngoại thành vừa tổ chức đấu giá như: Lô đất đấu giá tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), lô đất khu đất đấu giá tại xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức); lô đất đấu giá xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); lô đất đấu giá khu Đồng Phươm (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ)…
Đội đấu giá chuyên nghiệp của sàn bất động sản
Cuộc đấu giá diễn ra xuyên đêm. Ảnh chụp lúc 1 giờ sáng ngày 20/8 |
Trước đó, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá đất, trong đó có lô trúng đấu giá lên đến 100 triệu đồng/m2 gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, sau đó một số đối tượng trúng đấu giá cũng chào bán lô đất trúng đấu giá với tiền chênh 400-500 triệu đồng/lô. Dù vậy, do giá cao nên không có người mua, hiện giá chênh đã giảm còn khoảng 100 triệu đồng/lô.
Tại huyện Ứng Hòa, các đây ít hôm Trung tâm quỹ đất huyện cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 35 lô đất ở tại khu dân cư mới khu 1 tại xã Cao Thành. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Thành cho biết, giá trúng đấu giá từ 15-22 triệu đồng/m2 tùy vị trí lô đất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các lô đất tại khu vực này được sàn bất động sản rao bán giá từ 27-30 triệu đồng/lô.
Lý giải việc đất đấu giá tại các huyện ngoại thành có giá rất cao, chị L.T, Giám đốc một Công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, một số sàn bất động sản có những đội đấu giá chuyên nghiệp, họ coi đấu giá là một nghề kiếm tiền. Họ sẽ đi đấu giá theo đội, đẩy giá lên bán chênh và không bán được ở thời gian vào tiền tiếp sau khi trúng đấu giá thì họ bỏ cọc.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là nhà đầu tư ở Hà Nội lại lấy thông tin đó để so sánh, tăng giá bán các dự án khu vực khác. Từ đó, hình thành một mặt bằng giá mới, làm cho giá bất động sản Hà Nội thêm nóng.
Lý giải việc đất đấu giá tại các huyện ngoại thành có giá rất cao, chị L.T, Giám đốc một Công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, một số sàn bất động sản có những đội đấu giá chuyên nghiệp, họ coi đấu giá là một nghề kiếm tiền. Họ sẽ đi đấu giá theo đội, đẩy giá lên bán chênh và không bán được ở thời gian vào tiền tiếp sau khi trúng đấu giá thì họ bỏ cọc. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là nhà đầu tư ở Hà Nội lại lấy thông tin đó để so sánh, tăng giá bán các dự án khu vực khác. Từ đó, hình thành một mặt bằng giá mới, làm cho giá bất động sản Hà Nội thêm nóng.
Có thể tạo xu hướng đầu cơ đất đai
Trao đổi với PV, một số nhà môi giới bất động sản lại cho rằng, mức giá 133,3 triệu đồng/m2 đã thiết lập mặt bằng mới cho đất ở đây bởi giá này cao hơn nhiều so với thị trường khu vực xung quanh khu đất đấu giá.
Theo đó, đất tại trục chính đường gần khu đất đấu giá đang được giao dịch với giá khoảng 80-90 triệu đồng. Còn các lô đất ở ngõ ô tô đang dao động khoảng 60-65 triệu đồng/m2.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, nhận định rằng kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.
Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
Theo công cụ lịch sử giá của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, mức trúng đấu giá của 19 thửa đất khu LK03 và LK03 xã Tiền Yên, Hoài Đức cao gấp 2 - 3 lần khoảng giá phổ biến.
Cụ thể, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến.
TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho rằng, về cơn sốt đất đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... có giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, “thổi giá”. Bởi theo dõi các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.... tham gia đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.
TS Trần Xuân Lượng cho rằng, để ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá cần tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, khi có kết quả trúng đấu giá, phải từ 1-2 năm mới được mua bán, công chứng.
* Trong tháng 8, tháng 9, một số huyện trên địa bàn TP Hà Nội cũng lên kế hoạch tổ chức các phiên đấu giá đất. Ngày 26/8, dự kiến huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá tiếp 20 thửa đất, cũng với mức giá khởi điểm đều là 7,3 triệu đồng/m2. Còn tại huyện Phúc Thọ, ngày 29/8 cũng sẽ tổ chức đấu giá 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, với mức giá khởi điểm là 19,8 triệu đồng...
Tiếp đó, ngày 12/9, huyện Mê Linh có kế hoạch đấu giá 32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa (đợt 6). Diện tích các thửa đất dao động từ 73,5 m2 đến 187,56 m2 với giá khởi điểm dao động từ 21,7 triệu đến 25,9 triệu đồng/m2.
* Dự kiến, ngày 26/8, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc (xã Tiền Yên), thuộc các lô LK01 và LK02 với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Các lô đất có diện tích từ 89m2 đến 145m2. Khách hàng tham gia đấu giá sẽ đặt cọc trước từ 130 - 212 triệu đồng/lô. Được biết, tổng khu đấu giá thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên có 71 lô, huyện chia làm 3 lần đấu giá.