Đấu giá bức ảnh đắt nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bức “Le Violon d’ Ingres” của nghệ sĩ thị giác Mỹ Man Ray sẽ được đấu giá trong tháng Năm và nhiều khả năng sẽ thu về 5-7 triệu USD, trở thành bức ảnh đắt nhất thế giới từng được đấu giá.

“Le Violon d’Ingres” (Cây vĩ cầm của Ingres) được Man Ray chụp năm 1924, đặc tả tấm lưng trần của một phụ nữ với nét vẽ 2 khe hình chữ S đặc trưng của đàn violon.

Bức ảnh gốc “Le Violon d’Ingres” được nhiều người coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Man Ray. Kiệt tác này sẽ được đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s (Anh) vào tháng Năm tới. Christie’s dự đoán giá đấu thắng sẽ là 5-7 triệu USD, CNN đưa tin.

Kỷ lục hiện tại cho một bức ảnh được bán trong cuộc đấu giá thuộc về “Rhine II” của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky. Bức ảnh được Christie’s bán với giá 4,3 triệu USD vào năm 2011.

Đấu giá bức ảnh đắt nhất thế giới ảnh 1

Bức ảnh “Rhine II” của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky. Nguồn: Tate Gallery.

Man Ray (1890-1976) tên thật là Emmanuel Radnitzky, là thành viên chủ chốt của phong trào Dada và siêu thực. Tác phẩm “Le Violon d’Ingres” của ông hiện nằm trong bộ sưu tập của vợ chồng nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ Rosalind Gersten Jacobs và Melvin Jacobs.

Theo nhà đấu giá Christie’s, cặp vợ chồng ở thành phố New York đã mua lại “Le Violon d’Ingres” của Man Ray vào năm 1962. Bức ảnh sẽ được đấu giá cùng nhiều bức ảnh khác, tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và áp phích mà hai vợ chồng sưu tập được trong nhiều thập kỷ.

Bà Peggy Jacobs Bader, con gái của cặp vợ chồng Rosalind Gersten Jacobs và Melvin Jacobs, người thừa kế di sản của họ, nói rằng mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập đều “có một câu chuyện độc đáo và sâu sắc đằng sau nó” và phản ánh “tinh thần vui vẻ trong mối quan hệ của cha mẹ tôi”.

Đấu giá bức ảnh đắt nhất thế giới ảnh 2

Bức ảnh “Le Violon d’Ingres”. Ảnh: Man Ray.

Giàu tính biểu tượng

Các tác phẩm nổi bật khác đang được rao bán có “Mars” của bà Vija Celmins (nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc Latvia) với giá đấu thắng dự kiến 1,8-2,5 triệu USD.

Ông Darius Himes, trưởng bộ phận ảnh quốc tế tại Christie’s, tuyên bố bức ảnh “Le Violon d’Ingres” là “một trong những tác phẩm giàu tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20”. “Hình ảnh siêu thực hấp dẫn này là kết quả của một quy trình độc đáo trong phòng tối và được thao tác bằng tay. Độ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của bức ảnh lãng mạn, bí ẩn, phóng khoáng và vui tươi này đã thu hút tâm trí của mọi người trong gần 100 năm. Đây là một tác phẩm nhiếp ảnh chưa từng có trên thị trường,” ông Himes nói.

Man Ray đặt tên bức ảnh là “Le Violon d’Ingres” (trong tiếng Pháp nghĩa đen là “Cây vĩ cầm của Ingres”, nghĩa bóng là “sở thích”). Man Ray hâm mộ họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres - người chơi violin như một thú tiêu khiển khi ông không vẽ bức tranh.

Man Ray ngưỡng mộ tác phẩm của Ingres và ông đã lấy cảm hứng từ bức tranh “The Grande Baigneuse” (còn được gọi là “The Valpinçon Bather”, tạm dịch “Người đẹp tắm”) mà Ingres vẽ năm 1808.

Đấu giá bức ảnh đắt nhất thế giới ảnh 3

Bức “The Grande Baigneuse” (còn gọi là “The Valpinçon Bather”) của họa sĩ Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres. Nguồn: Bảo tàng Louvre.

Man Ray đã nhờ người mẫu Kiki de Montparnasse (sau trở thành người tình) ngồi làm mẫu cho ông chụp. Trong bức ảnh đầu tiên, người mẫu lộ rõ khuôn mặt và bộ ngực. Trong bức ảnh cuối cùng, người mẫu khỏa thân ngồi, nhìn sang trái, lưng trần, đầu quấn khăn lấy cảm hứng từ phương Đông.

Trong ảnh, cánh tay của người mẫu không hiện ra. Sau khi rửa ảnh, Man Ray vẽ trên bản in hai khe chữ S của đàn violon ở vị trí giữa lưng người mẫu, chụp lại bản in, tạo ra tác phẩm nghệ thuật.

Dada là một phong trào văn hóa bắt đầu từ Zurich (Thụy Sĩ) trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và đạt đỉnh trong giai đoạn 1916-1922, theo Wikipedia. Phong trào này chủ yếu liên quan nghệ thuật thị giác, văn học, thơ ca, tuyên ngôn nghệ thuật, lý thuyết nghệ thuật, sân khấu, thiết kế đồ họa, và tập trung vào chính trị chống chiến tranh thông qua việc loại bỏ các tiêu chuẩn hiện hành trong nghệ thuật bằng các công trình văn hoá chống nghệ thuật. Mục đích của nó là để chế giễu những thứ mà các thành viên của phong trào Dada xem là vô nghĩa về thế giới hiện đại. Ngoài phản chiến ra, Dada cũng có tính chất chống tư sản và chủ nghĩa vô chính phủ.

MỚI - NÓNG