Đau đáu 'thần dược' chữa ung thư thương hiệu Việt

Đau đáu 'thần dược' chữa ung thư thương hiệu Việt
TP - Thông đỏ Hymalaya quý hiếm riêng có ở Lâm Đồng là một trong những loài có hàm lượng hoạt chất 10 - DB III để chuyển hóa thành taxol điều chế thuốc chữa trị ung thư cao nhất thế giới. Hơn 10 năm trước, các nhà khoa học đã chiết tách thành công 10 - DB III từ thông đỏ Lâm Đồng, vậy mà đến nay bệnh nhân vẫn đau đáu trông chờ loại thuốc chữa ung thư thương hiệu Việt.

> Đua nhau trộm thông đỏ, thông đất
> Tổng hợp hoạt chất chữa ung thư từ thông đỏ Lâm Đồng

Kỳ 1: Đua nhau triệt hạ “thần dược”

Gần trăm năm trước, thông đỏ được phát hiện tại Cam Ly, Đà Lạt. 18 năm trước, người Mỹ chế ra thuốc chữa trị ung thư từ thông đỏ. Thế nhưng, nhiều người Việt đang săn lùng chúng chỉ để làm đồ mỹ nghệ và quan tài.

Quả thông đỏ
Quả thông đỏ.

Chữa được ung thư

Năm 1994, khi loại dược phẩm chữa trị ung thư do Mỹ điều chế từ thông đỏ xuất hiện trên thị trường, các nhà khoa học Việt Nam xôn xao vì cách đó 61 năm, trong cuốn Thực vật chí Đông Dương, nhà nghiên cứu nước ngoài H.Lecomte từng công bố phát hiện một quần thể thông đỏ với hơn 10 cá thể ở khu rừng nguyên sinh Cam Ly, Đà Lạt.

Cũng trong năm đó, TS Lê Thị Xuân (Viện Công nghệ sinh học) - vừa kết thúc khóa tu nghiệp tại Mỹ - cấp tốc sưu tầm mẫu lá thông đỏ và những thông tin mới về cây dược liệu quý giá này mang về nước. Cùng một số nhà khoa học đang công tác tại TP Đà Lạt, TS Xuân tìm đến Cam Ly.

“Cả đoàn khảo sát chết lặng khi khu rừng nơi H.Lecomte mô tả có quần thể thông đỏ đã bị chặt trụi để trồng cà phê tự bao giờ” - PGS.TS Dương Tấn Nhựt (Phó Viện trưởngViện Sinh học Tây Nguyên) hồi tưởng.

Vậy là phải bắt đầu lại bằng con số 0. Các nhà khoa học mang mẫu vật thông đỏ tìm đến buôn làng của người K’Ho - nhóm cư dân sống lâu đời tại Cam Ly để dò hỏi thông tin và nhờ người dân bản địa làm hướng đạo nhằm truy tìm tung tích thông đỏ.

Một ngày trung tuần tháng 6-1994, đoàn khảo sát phát hiện quần thể khoảng 25 cây (cao chừng 30 - 40m) trên sườn núi chênh vênh ở độ cao hơn 1.500m với diện tích 1 – 1,5 km² ở phía đông cao nguyên Lâm Viên.

TS Xuân cho thu thập một số tiêu bản lá, cành, hoa, quả…rồi gửi sang Mỹ để GS M. Shenluck (chuyên gia hàng đầu về thông đỏ của thế giới) giám định.

Thông tin phản hồi vượt quá sự mong đợi: Đây là thông đỏ Hymalaya (tên khoa học là Taxus Wallichiana Zucc) không chỉ quý hiếm mà còn là loài đặc hữu Việt Nam với hàm lượng 10 - DB III cao gấp hàng chục lần thông đỏ Mỹ và cả trăm lần thông đỏ Mexico.

Nguy cơ tuyệt chủng

Trong suốt 15 năm sau đó, nhiều trường đại học và các cơ quan lâm nghiệp, nghiên cứu khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam... cử các đoàn khảo sát trèo đèo lội suối vào chốn rừng sâu săn thông đỏ nhưng chỉ phát hiện không quá 10 quần thể; mỗi quần thể rải rác dăm ba cây hoặc vài chục cây, nhiều nhất cũng chỉ hơn trăm cây.

Cây thông đỏ cổ thụ giữa rừng
Cây thông đỏ cổ thụ giữa rừng.

Hầu hết các quần thể đều ngự trên những sườn núi chênh vênh, bên khe suối ở độ cao 1.500m - nơi đất rừng thường xuyên ẩm, tơi xốp, giàu mùn, có thảm mục dày, cây lá rộng che bóng tầng cao.

Ông Võ Danh Tuyên - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết thông đỏ Hymalaya có phạm vi phân bố hẹp vì chỉ tìm thấy ở Lâm Đồng.

Loài cây này rất chậm lớn: Sinh trưởng hàng trăm năm chỉ có đường kính vài chục cm. Việc giao phối gần diễn ra phổ biến dẫn đến sự suy thoái về di truyền của quần thể. Mặt khác, thông đỏ thường mọc hỗn giao trong rừng lá rộng, thường xanh nên khả năng tái sinh rất thấp; phần lớn cây trưởng thành thường bị các loài cây khác chen ép hoặc dây leo bám trên thân làm cho thông đỏ có phẩm chất xấu, dễ bị sâu bệnh, rỗng ruột… Tình hình đó khiến thông đỏ có nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam để bảo tồn.

Thế nhưng thông đỏ vẫn bị lâm tặc săn lùng ráo riết để bán cho các đầu nậu buôn lậu gỗ bởi thân cây rất cứng, gỗ màu vàng nhạt và lõi màu nâu sẫm khá đẹp, có giá trị kinh tế cao.

Mặt khác, nhiều nơi râm ran lời đồn nếu sở hữu các tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc bằng gỗ thông đỏ sẽ gặp nhiều may mắn; người chết được chôn trong quan tài làm bằng thông đỏ sẽ rất linh thiêng, phù hộ cho gia đình, dòng họ thoát khỏi vận rủi, làm ăn phát đạt, công thành danh toại…

Xẻ thịt cây quý
Xẻ thịt cây quý.

Chấn động nhất là vụ cả chục cây thông đỏ hàng trăm năm tuổi tại núi Voi (thuộc các xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) bị xẻ thịt vào năm 2008.

Thời điểm đó, khi chúng tôi đến hiện trường vẫn còn dấu tích của cả chục bãi cưa xẻ với hàng chục lóng gỗ to, đẹp, vuông vức chưa kịp mang đi, cành lá thông đỏ tươi xanh bị vứt ngổn ngang. Số lượng gỗ bị xẻ thịt, chưa kịp tẩu tán lên đến 14m³.

Liên quan vụ án này, một đối tượng trú tại Hiệp An đã bị phạt tù. Các nhà khoa học vô cùng bức xúc bởi cánh rừng quý giá này liên tục bị đốn hạ, từ hơn trăm cây giảm xuống còn 70 - 60 - 50 và hiện chỉ còn khoảng 40 cây, trong khi chúng là những cây thần dược hiếm hoi vốn được sử dụng để lấy mẫu nghiên cứu.

Một số người mò mẫm chốn rừng sâu tìm thông đỏ bởi được mách nước rằng rễ hoặc vỏ cây thông đỏ nấu làm thuốc như kiểu sắc thuốc bắc sẽ chữa được bệnh ung thư. “Tự ý sắc thuốc chữa bệnh kiểu này rất phản khoa học và nguy hiểm đến tính mạng”- Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng Trần Danh Tài khuyến cáo và cho biết thêm, lá, rễ và đặc biệt là hạt thông đỏ rất độc, trâu bò ăn vào cũng lăn ra chết.

Danh sách đối tượng bị xử lý về hành vi xâm hại thông đỏ cứ tiếp tục nối dài. Tháng 5-2011, Kon Sơ Ha Sim (SN 1972, trú tại thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, Lạc Dương) cùng em ruột, em vợ và con trai bị TAND huyện Lạc Dương tuyên phạt mỗi người từ 6 đến 18 tháng tù vì đã cưa hạ cây thông đỏ tại TK 94A thuộc địa bàn xã Đa Nhim để lấy 2,7 m³ gỗ.

Tháng 5-2012, Lê Văn Khôi (SN 1972, ngụ ở tổ 1, thôn Trạm Hành, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) đã bị Hạt Kiểm lâm Đà Lạt khởi tố vì cưa hạ 2 cây thông đỏ (đường kính gốc 35cm và 45cm) tại lô b, khoảnh 5, TK 169A thuộc lâm phần do Ban QLR Lâm Viên quản lý.

Thân 2 cây thông bị cắt thành 19 lóng với số lượng gỗ gần 1,3m³ đưa về cất giấu tại nhà riêng.

Đối tượng vi phạm là em của một vị Phó ban QLR Lâm Viên, khai rằng vì loại cây này có gỗ tốt, lá hình xương cá mà theo lời đồn sẽ mang lại nhiều may mắn nên cưa trộm về xẻ gỗ làm nhà! Mới đây, Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt phát hiện một xưởng cưa ở Phường 8 đang cưa xẻ 0,9 m³ gỗ thông đỏ và đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an thành phố tiếp tục điều tra xử lý.

Một số người mò mẫm chốn rừng sâu tìm thông đỏ bởi được mách nước rằng rễ hoặc vỏ cây thông đỏ nấu làm thuốc như kiểu sắc thuốc bắc sẽ chữa được bệnh ung thư.

“Tự ý sắc thuốc chữa bệnh kiểu này rất phản khoa học và nguy hiểm đến tính mạng”- Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng Trần Danh Tài khuyến cáo và cho biết thêm, lá, rễ và đặc biệt là hạt thông đỏ rất độc, trâu bò ăn vào cũng lăn ra chết.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh cho triển khai dự án bảo vệ và phát triển rừng thông đỏ giai đoạn 2013-2016.

“Hiện chưa có biện pháp bảo vệ riêng cho loài thông đỏ và chỉ giao khoán quản lý bảo vệ chung như các loài cây rừng khác, trong khi đó thông đỏ là loài cây quý hiếm cần có chế độ bảo vệ đặc biệt” - lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.