Tuy nhiên, kết quả khảo sát được công bố lần này cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm về “cung cách” phục vụ của chính quyền địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.
Đơn cử, như trong lĩnh vực xây dựng, theo báo cáo, chi phí trung bình mà các doanh nghiệp cả nước phải bỏ ra để thực hiện thủ tục hành chính là 64,1 triệu đồng, gấp 869 lần so với chi phí trung bình trong lĩnh vực thuế và gấp 5 lần so với mức trung bình của 8 nhóm được khảo sát (môi trường, đất đai, đầu tư, cấp chứng chỉ hành nghề có điều kiện, hải quan...). Nhưng giữa các địa phương, vùng miền con số đó lại có độ “chênh” lệch rất lớn.
Cụ thể, trong khi có những địa phương chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục hành chính về xây dựng lên đến 258 triệu đồng, thì có địa phương con số này chỉ dừng lại ở mức 12 hoặc 30 triệu... Điều này cho thấy rằng, cùng một cơ chế chế, thủ tục, quy định nhưng chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra ở các địa phương là rất khác nhau.
Một doanh nghiệp khi được hỏi về mức chi phí này đã thẳng thắn cho rằng, con số 64,1 triệu đồng bỏ ra cho việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai không phải là con số lớn và doanh nghiệp hoàn toàn chấp nhận được. Cái doanh nghiệp cần là chính là chi phí về mặt thời gian, là sự công khai, minh bạch và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bởi một dự án trăm tỷ đồng, chỉ cần các cơ quan chức năng giải quyết nhanh một vài ngày là doanh nghiệp đã có thể sớm triển khai công trình, tạo ra giá trị lợi nhuận lớn. Ngược lại, nếu hồ sơ bị “ngâm” lâu, công trình chậm được đưa vào sử dụng thì có khi doanh nghiệp bị thiệt hại đến tiền tỷ. Do đó, cái họ cần nhất chính là làm sao nâng cao được thái độ phục vụ của đội ngũ công chức trong các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, chứ không hẳn chỉ là câu chuyện “tiền”.
Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân, Thành viên Tổ tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cho rằng, cải cách có bao nhiêu đi nữa mà cán bộ không thay đổi, không đổi mới thì cũng khó. Theo ông, nếu không thay đổi được thái độ phục vụ của đội ngũ công chức thì không khéo những cải cách đưa ra rồi cũng sẽ bị “cất vào ngăn bàn”, không có ý nghĩa trong triển khai thực tế”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định, qua báo cáo sẽ giúp cho Chính phủ có một cái nhìn tổng quan về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính. Từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Dũng cũng bày tỏ tin tưởng, với những báo cáo được công bố, sẽ tạo ra sức ép cho các địa phương, các ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính và thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.