Nhiều lần thay chủ đầu tư
Ngôi biệt thự có hai cổng là 46 phố Hàng Bài và 49 phố Trần Hưng Đạo. Nhiều năm trước, biệt thự này là trụ sở làm việc của Nhà xuất bản Văn Học. Năm 1962, ông Hoàng Anh, một cán bộ tiền khởi nghĩa được cơ quan quản lý nhà đất làm hợp đồng cho thuê một căn nhà cấp bốn và một phần diện tích để làm bếp tại ngôi biệt thự. Sau đó, có 5 cán bộ, nhân viên của Nhà xuất bản Văn Học được cơ quan này cho phép vào ở tại phần khuôn viên trong biệt thự.
Năm 1997, khi tòa nhà chính của biệt thự trên bị xuống cấp, Sở Nhà đất Hà Nội có thông báo giao cho Cty Xuất Nhập khẩu & Đầu tư Xây dựng Hà Nội thực hiện việc di chuyển cơ quan và các hộ dân tại 49 Trần Hưng Đạo đến nơi mới để đưa công trình này vào khai thác theo quy định của thành phố. Năm 1998, Nhà xuất bản Văn Học chuyển đến địa điểm mới, còn hộ ông Hoàng Anh và 5 hộ gia đình khác vẫn ở lại ngôi biệt thự chờ phương án di dời. Tuy nhiên, năm 2000, UBND thành phố Hà Nội lại quyết định giao nhà 49 Trần Hưng Đạo cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội là chủ đầu tư để xây dựng trụ sở làm việc. Đến năm 2003, UBND thành phố Hà Nội lại có quyết định giao nhà 49 Trần Hưng Đạo cho Cty Kinh doanh nhà số 2 làm chủ đầu tư Dự án để cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc cho một số cơ quan nhà nước.
Theo phản ánh của các hộ dân, từ năm 1997 đến 2003, sau vài lần thay đổi chủ đầu tư, họ chưa hề nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi chuyển khỏi 49 Trần Hưng Đạo. Đến tháng 9/2005, UBND thành phố Hà Nội lại có quyết định giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình 49 Trần Hưng Đạo làm trụ sở làm việc của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội. Tháng 12/2006, Ban Quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn lập phương án dự thảo bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tại 49 Trần Hưng Đạo, nhưng sau đó sự việc không đi đến kết quả cuối cùng. Đến năm 2009, UBND thành phố Hà Nội lại có quyết định dừng triển khai dự án trên, giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại 49 Trần Hưng Đạo để tạo quỹ đất sạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch.
Bao giờ giải quyết dứt điểm?
Khi tiếp nhận sự việc, năm 2009, Hội đồng Bồi thường Hỗ trợ tái định cư quận Hoàn Kiếm đã có dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình tại 49 Trần Hưng Đạo, nhưng sau đó không được các hộ dân chấp thuận. Gần đây, tháng 7/2016, Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm tiến hành lập dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mới, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các hộ dân.
Trong đơn kiến nghị, các hộ dân cho rằng mức thuế họ phải chịu sau khi nhận bồi thường là quá cao, đồng thời việc mua nhà tái định cư vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như trường hợp ông Hoàng Anh, tổng tiền bồi thường nhà đất được hơn 7 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ tiền nghĩa vụ tài chính về đất chỉ còn lại hơn 4 tỷ.
Ông Hoàng Anh cho biết: “Là cán bộ tiền khởi nghĩa, khi được biết nhà nước có một số chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng để cải thiện nhà ở, tôi đã nhiều lần có đơn đề nghị nhưng không được giải quyết. Nay tôi lại phải nộp tiền nghĩa vụ tài chính về đất khi nhận đền bù nhà ở của mình tại 49 Trần Hưng Đạo là không thỏa đáng. Bên cạnh đó, tôi đã hơn 90 tuổi, đi lại khó khăn nhưng lại được đưa về khu tái định cư cao tầng tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên cũng là bất hợp lý”.
Ngày 12/9/2016, trong văn bản trả lời kiến nghị của các hộ dân, Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm cho rằng việc bồi thường cho các hộ dân là đúng quy định, đồng thời đề cập, nếu các hộ dân không đồng ý với nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh mà muốn đổi sang khu tái định cư khác thì có đơn đề nghị để được xem xét.
Ngày 5/10/2016, trong văn bản khác trả lời ông Hoàng Anh, Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm xác nhận ông chưa được hưởng chính sách ưu đãi về nhà đất tại nhà 49 Trần Hưng Đạo, nên đề nghị ông liên hệ với các cơ quan có trách nhiệm xin cấp giấy xác nhận, mức miễn giảm tiền sử dụng đất theo diện người có công với cách mạng để làm cơ sở lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Trong khi các hộ dân được trả lời như trên, thì ngày 4/10/2016, UBND quận Hoàn Kiếm lại ban hành Quyết định phê duyệt quy chế và phương án bắt thăm căn hộ tái định cư ở phường Thượng Thanh cho 6 hộ dân tại 49 Trần Hưng Đạo. Các hộ dân không chấp thuận sự việc, không chịu bắt thăm nhà tái định cư. Tuy nhiên, việc bắt thăm nhà tái định cư vẫn được cấp có trách nhiệm thuộc quận Hoàn Kiếm tổ chức, sau đó công bố kết quả bắt thăm cho các hộ dân trú tại 49 Trần Hưng Đạo. Các hộ dân cho rằng việc làm trên là ép người dân, trong khi họ còn chưa được biết cụ thể giá nhà tái định cư đó ra sao, nên tiếp tục khiếu nại sự việc.
Giữa tháng 9/2016, phóng viên Tiền Phong đến UBND quận Hoàn Kiếm đưa giấy giới thiệu để liên hệ làm việc. Một tuần sau chưa thấy hồi âm, khi liên hệ lại, phóng viên được biết việc cần trao đổi được giao cho Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm. Nhưng lại một tuần nữa trôi qua vẫn chưa thấy hồi âm, phóng viên liên hệ lại, được một cán bộ Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm cho biết đã báo cáo lãnh đạo, lịch làm việc sẽ báo lại sau. Tuy nhiên, từ đó đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được điện thoại để tới làm việc với Ban Bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm.