Đặt sức khỏe lên hàng đầu, Luật sẽ đi vào cuộc sống

Đặt sức khỏe lên hàng đầu, Luật sẽ đi vào cuộc sống
Mặc dù gặp nhiều ý kiến trái chiều trong suốt quá trình bảy năm xây dựng luật, nhưng với tiêu chí đặt sức khỏe lên hàng đầu, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong việc hạn chế tai nạn giao thông và giảm gánh nặng bệnh tật.

Sau bảy năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14-6-2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Với nhiều điểm mới, tiến bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao có nhiều điểm để các quốc gia khác tham khảo.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vẫn bảo vệ lợi ích người dân lên trên hết. Để luật đi vào thực tế cuộc sống đạt hiệu quả cao cần hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia.

Sau khi Luật được ban hành, Bộ Y tế đã đề nghị với Chính phủ giao cho hai bộ là Bộ Y tế và Bộ Công thương xây dựng Nghị định. Trong đó, Bộ Công thương xây dựng Nghị định quy định về rượu thủ công, quản lý rượu thủ công; quy định liên quan đến vấn đề về sản xuất, nhập khẩu các loại bia rượu. Nghị định của Bộ Y tế hướng dẫn các địa điểm công cộng không uống bia, rượu; hướng dẫn việc quảng cáo rượu, bia qua môi trường mạng.

Hiện nay, một số Sở Y tế Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… đã ban hành kế hoạch triển khai Luật trong ngành y tế tại địa phương.

Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế của Bộ Y tế cũng đang triển khai xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Y tế hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng, ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm (Khoản 3 Điều 20).

Hiện nay, Bộ Y tế đã trình với Chính phủ và các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế, trong đó có đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực rượu, bia.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Ủy ban ATGT Quốc gia đã quyết định năm 2020 chủ đề ATGT là “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, tập trung trọng điểm vào luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Bên cạnh sửa đổi quy định về pháp luật thì cũng tăng cường năng lực thực thi về nồng độ cồn, tăng cường tập huấn cán bộ, trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra nồng độ cồn.

Bộ GTVT cũng đang tiến hành sửa đổi Nghị định 46 và bước đầu kết quả lấy ý kiến của các thành viên chính phủ đều nhận được sự đồng thuận với những thay đổi chặt chẽ hơn, trong đó mức xử phạt tối đa vi phạm nồng độ cồn với người đi xe đạp, xe thô sơ là 600.000 đồng, đi xe mô tô, xe máy là 8 triệu đồng, người đi ô tô lên tới 40 triệu đồng. Ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị Bộ Y tế, các bộ ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện luật phòng chống tác hại rượu bia, đặc biệt là thông tư 26, thông tư liên tịch giữa Bộ Công an với Bộ y tế.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, với một hệ thống pháp luật đồng bộ có nhiều quy định và chế tài xử phạt, hy vọng mục tiêu “đặt sức khỏe lên hàng đầu” sẽ được biến thành hành động cụ thể. Rõ ràng, chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi về tính mạng, sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người trong đó có phụ nữ, trẻ em.

Đến thời điểm này đã có 155 nước trên thế giới đã xây dựng luật này, có những nước đã đưa điều chỉnh lần 2 để mong bảo vệ sức khỏe. Đứng trên bình diện là bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tai nạn giao thông, kiềm chế bạo lực gia đình… Luật sẽ sớm có tính khả thi trong cuộc sống với sự ủng hộ của cả cộng đồng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.