Sốt đất ảo
Cách đây nhiều năm, báo chí đưa tin, đất Đông Anh sốt vì xây cầu Nhật Tân, nhiều người từ nội đô đổ xô sang đây mua đất. Thế nhưng, “cầu xây xong đã lâu”, nhưng nhiều nhà đầu tư phải ngậm ngùi, vì mãi không bán được. Trước một số dự án được “đánh bóng” sẽ xây dựng theo trục Đông Anh-Nhật Tân, thông tin này lại được lan truyền qua kênh VnRea. Một lần nữa, người mua nhà bị quay trong mớ thông tin “sốt” đất và có nguy cơ lập lại vết xe đổ như những năm trước đó.
Những ngày đầu tháng 7, PV Tiền Phong có mặt tại nơi được cho “sốt” đất. Vừa qua cầu Nhật Tân, rẽ vào xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội), nhác thấy bóng người từ ô tô bước xuống, tại quán nước ven đường, người đàn ông trung tuổi chạy tới hỏi xem có phải khách đến đây mua đất. Vị này tự giới thiệu tên T.H và xưng là am hiểu tất cả các đầu mối bán đất trong làng. Ngay khi nghe khách bảo có nhu cầu mua đất thổ cư có sổ đỏ, ông T.H nhiệt tình dẫn chúng tôi một vòng rồi thông báo: Lô mặt đường (rộng khoảng 8m) giá 120 triệu đồng/m2, mặt ngõ gần đường lớn giá 40- 50 triệu đồng/m2; đất sâu trong làng 12- 20 triệu đồng/m2. “Từ sau Tết Nguyên đán, giá đất tại đây tăng chóng mặt. Có vị khách ở Hà Nội dịp Tết mua mảnh đất hơn 200m2 nay giá lãi hơn 1,1 tỷ đồng”, ông T.H nói.
Nghe đến đây, chúng tôi được một số người dân “nháy” mắt ra hiệu hãy cẩn trọng. Họ thông tin lại rằng, mảnh đất đó có giá thấp hơn rất nhiều. “Đừng nghe lời cò thổi giá”, một người dân thì thầm.
Còn ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết, không có chuyện “sốt” đất tại đây như tin đồn thời gian qua. Giá đất vị trí đẹp, mặt tiền tại xã Vĩnh Ngọc chỉ tăng khoảng 10- 20%, nhưng giao dịch thật rất ít và chỉ có “cò” thổi giá. Bản thân người dân có đất thổ cư rao bán cũng không ai mua. Ông Huy khuyên người mua nhà nên tìm hiểu kỹ trước thông tin về giá đất Đông Anh và nên cảnh giác để tránh bị lừa như trước đây.
Tại xã Hải Bối, hiện tượng “cò” đất cũng nở rộ để phục vụ khách từ trung tâm Hà Nội về hỏi mua. Một cán bộ địa chính tại xã này cho hay, cách đây vài tháng, 10 lô đất trong xã với vị trí đẹp được bán đấu giá khoảng 30 triệu đồng/m2, còn trung bình, giá đất thổ cư được người dân bán dao động 12 - 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí. “Sàn giao dịch mọc lên nhiều, nhưng giao dịch sang tên đổi chủ rất ít”, vị này cho hay.
Giao dịch ít
Thông tin có nhiều dự án về khu vui chơi giải trí, trung tâm hành chính Đông Anh được xây dựng cũng là yếu tố khiến “cò” đất vin vào để đẩy giá. Chưa kể, các loại “cò” còn tạo sốt giả để bơm thổi cho các dự án nhà ở sắp triển khai.
Ông Trí Dũng, giám đốc một văn phòng giao dịch nhà đất ở ngay chân cầu Nhật Tân cho hay: Vài tháng trở lại đây, giá đất quanh khu vực cầu Nhật Tân - Nội Bài chỉ nhúc nhích tăng khoảng 10 - 15%. Theo đó, những nơi có vị trí đẹp mới tăng khoảng 20 - 30% so với cuối năm 2016. So sánh giá đất hiện tại với giá đất cách đây hơn 5 năm (là đỉnh sốt đất Đông Anh), ông Dũng khẳng định, giá đất hiện tại vẫn chưa chạm mức giá những năm 2010-2012. “Hỏi mua thì nhiều, nhưng thực tế giao dịch rất ít”, ông Dũng nói.
Nhận định về giá đất Đông Anh, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến (Quản lý quỹ đầu tư Nik Capital) cho biết, thời gian qua, nhiều người có tiền nhàn rỗi đã đổ vốn săn đất tại các xã gần dự án. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cả cũ- mới đang trong tình thế không thoát được hàng, “găm” chờ cơ hội đẩy đi. “Lan truyền thông tin tăng giá đất đột biến tại nhiều xã thuộc huyện Đông Anh khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng, nhà đất Hà Nội lại bắt đầu nổi lên điểm sốt mới. Trong thực tế, nó chỉ là “sốt truyền khẩu”, vị này nhận định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện chưa có quy định nào xử phạt những đơn vị tư vấn đưa ra số liệu không chính xác về thị trường. Thực chất những số liệu này phục vụ cho những dự án của chủ đầu tư hoặc một nhóm người mua gom đất “thổi” giá bung hàng. Hiện, Sở Xây dựng mới minh bạch được thông tin số lượng dự án được phép bán nhà nhưng lượng giao dịch không thể nắm hết được. Việc xây dựng hệ thống thông tin báo cáo thị trường bất động sản một cách chính xác rất khó, vì các sàn giao dịch và chủ đầu tư báo cáo cũng không thật.
Mới đây, Thành ủy TPHCM đề nghị công an thành phố và công an các quận, huyện bám sát tình hình, theo dõi, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những “cò” đất có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi.
XEM THÊM:
>> Báo cáo Thị trường bất động sản: Bộ im lặng, hiệp hội 'dội bom'