Thoả thuận được đưa ra nhằm chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” diễn ra suốt 4 thập kỷ qua, khi các quốc gia đua nhau giảm thuế để thu hút những tập đoàn đa quốc gia, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho họ chuyển lãi vòng vo để tránh phải đóng thuế cao.
Tuy nhiên, một số nước đang phát triển muốn áp tỷ lệ cao hơn vì cho rằng lợi ích của họ đã bị gạt sang một bên để phục vụ các nước giàu. Các tổ chức quốc tế như Oxfam chỉ trích biện pháp mới này có nhiều ngoại lệ.
Trong số 140 quốc gia liên quan, đã có 136 quốc gia ủng hộ thoả thuận, trong khi Kenya, Nigeria, Pakistan và Sri Lanka bỏ phiếu trắng.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trụ sở tại Paris, cho biết thoả thuận sẽ bao trùm 90% nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng ta đã có một bước đi quan trọng nữa để đạt được sự công bằng về thuế. Chúng ta bây giờ đã có một con đường rõ ràng để tiến tới hệ thống thuế công bằng hơn, nơi các tập đoàn toàn cầu có nghĩa vụ trả đúng phần thuế mà họ phải đóng ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động”, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói với Reuters.
Tuy nhiên, khi văn bản còn chưa ráo mực đã có một số người nêu quan ngại về khả năng áp dụng vào thực tế. Bộ trưởng Tài chính Thuỵ Sĩ yêu cầu phải tính đến lợi ích của các công ty nhỏ, và cho rằng thời điểm áp dụng từ năm 2023 là không khả thi.
Tại Mỹ, các thượng nghị sĩ Cộng hoà nói rằng họ lo ngại chính quyền của Tổng thống Biden đang tìm cách lách để được Thượng viện đồng ý với thoả thuận.
Theo Hiến pháp Mỹ, bất kỳ hiệp định nào cũng cần được 2/3 thượng nghị sĩ ủng hộ, tương đương 67 phiếu. Trong những năm gần đây, đảng Cộng hoà tỏ ra thù địch với bất kỳ hiệp định nào và chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp.