Ì ạch
Năm 1998, Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (CVLSVH)được TPHCM xem là dự án trọng điểm, là công trình khoa học cấp quốc gia, được đầu tư mới đồng bộ, hiện đại và lớn nhất nước. Dự án do UBND TP Hồ Chí Minh là chủ đầu tư. Theo quyết định phê quyệt của Thủ tướng Chính phủ, Dự án CVLSVH có tổng diện tích 395 ha, trong đó chủ yếu nằm ở phường Long Bình, quận 9, TPHCM và gần 27 ha nằm trên địa bàn Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án Công viên lịch sử văn hoá dân tộc ở TPHCM có diện tích gần 400 ha nhưng hiện bị doanh nghiệp và người dân chiếm dụng hàng chục ha- ảnh L.N
Để thực hiện dự án này, Ban Quản lý Dự án CVLSVH phải di dời tổng số 1626 hộ, trong đó địa bàn quận 9 là 1501 hộ và 26 tổ chức, còn lại 99 hộ ở địa bàn Bình Dương. Tuy nhiên, 20 năm trôi qua, đến nay dự án mang tầm cỡ này mới đang triển khai được 9 dự án thành phần và 1 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư.
Theo Ban quản lý Dự án CVLSVH đến tháng 8/2019 đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đạt trên 90%. Ở địa bàn quận 9 hiện vẫn còn 245 hộ và 2 tổ chức với diện tích hơn 463 nghìn m2 chưa được bàn giao, trong khi ở địa bàn Bình Dương vẫn còn 7 hộ chưa chịu bàn giao với diện tích gần 35 nghìn m2.
Đất công đang bị chiếm dụng một cách vô tội vạ
Báo cáo của Ban quản lý Dự án này cho thấy hàng loạt doanh nghiệp thuê đất công tại đây và hộ dân đã nhận đền bù, nhận nền và nhà tái định cư nhưng không chịu di dời đi nơi khác. Điều đáng nói là có 288 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cùng 19 đơn vị thuê mướn lần lữa không chiụ bàn giao. Vị trí chiếm dụng chủ yếu tập trung tại khu vực đường Nguyễn Xiển, đường 11, đường Hàng Tre và khu vực bờ sông Đồng Nai.
Nhiều khu vực cho thuê hết hạn hợp đồng nhưng doanh nghiệp vẫn chây ì không trả lại đất
Trước thực trạng lấn chiếm và không thực hiện việc trả lại mặt bằng tại DA, tháng 7/2018, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã có Kết luận số 25/KL-TTTP-P5 về việc thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai thuộc Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Theo đó, Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… Theo kết luận thanh tra, tính đến ngày 31/12/2017, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc ký kết 19 hợp đồng với 15 đơn vị, trong đó đa số là hợp đồng thuê mặt bằng, có một số hợp đồng với tiêu đề là Hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng thực chất là thuê mặt bằng. Tổng diện tích của 19 hợp đồng là hơn 35,4 ha.
Qua xác minh hiện trạng, Thanh tra đã ghi nhận có 10 mặt bằng cho thuê có thời hạn 1 - 5 năm, trong đó hiện trạng khu đất Công ty TNHH MTV phát triển Nông nghiệp Kỹ thuật cao Trang trại Việt thuê có hai căn nhà tường, mái tôn; hiện trạng khu đất Công ty TNHH Công trình giao thông Sài Gòn thuê có một căn nhà cấp 4, diện tích 20 x 30 m, dùng làm nhà điều hành; hiện trạng khu đất Công ty TNHH gỗ Duy Dương thuê có một nhà khu sắt tiền chế, mái tôn vách tôn 700 m²…
Ngoài ra, tại đây đã có 24 trường hợp lấn chiếm mặt bằng sử dụng trái phép với tổng diện tích hơn 4,6 ha để kinh doanh quán cà-phê, giải khát, quán ăn, bãi xe cơ giới chuyên dùng, xe container, garage sửa xe…
Đất công bị chiếm vô tội vạ
Không chỉ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã nhận bàn giao từ UBND quận 9 mà cả đất không khai thác cho thuê cũng bị chiếm dụng trái phép tại Dự án này. Theo Ban quản lý Dự án CVLSVH dù đã xây dựng tường rào, đào mương, cắm biển cảnh báo đất công của dự án nhưng người dân vẫn phá rào, mở lối đi khác. Theo Thanh tra TPHCM, hiện Ban quản lý Dự án này thực hiện thanh lý hợp đồng cho thuê đối với 19 trường hợp sai phạm nhưng còn 9 trường hợp vẫn chưa bàn giao lại mặt bằng do vướng hợp đồng thuê. “Nhiều trường hợp đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2018 nhưng vẫn chiếm dụng đất sử dụng trái phép và cho thuê lại đất để kiếm lời”- kết luận nêu rõ.
Bãi gỗ này của hộ dân Lê Hoài Sơn. Ông Sơn được kết luận Thanh tra chỉ ra chiếm 2000 m2 đất. Đến nay hộ ông này không trả lại mặt bằng
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên đến nay vẫn còn 294 hộ dân, tổ chức nằm trong khuôn viên Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc không thực hiện bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thuê đất tại đây chây ì không chịu trả lại mặt bằng.
Cụ thể, ông Lê Hoài Sơn lấn chiếm 2.000 m² đất thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc đã bị UBND phường lập biên bản xử phạt hành chính nhưng vẫn không nộp phạt mà vẫn tái chiếm sử dụng. Tại khu đất của ông này chiếm, hàng chục container với bãi gỗ đang tập kết tại đây.
Trong khi nhiều công ty kinh doanh gỗ, bãi cát và đá xây dựng… như Công ty CP tiếp vận Mê Kông với diện tích cho thuê là 2,6 ha, hết hạn hợp đồng thuê ngày 31/12/2018 và năm 2019 các cấp chính quyền 4 lần mời lên làm việc, nhưng đến nay vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng. Đáng nói, đơn vị này còn đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để cho thuê lại mặt bằng kinh doanh tại vị trí đất đang lấn chiếm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành với diện tích thuê là 2,2 ha, thời hạn thuê sáu tháng và đã hết hạn hợp đồng cuối năm 2018, cơ quan chức năng đã 4 lần mời lên làm việc nhưng đều vắng mặt và không có phản hồi, không chịu bàn giao mặt bằng.
Thanh tra TPHCM kiến nghị Ban Quản lý Công viên lịch sử- Văn hoá dân tộc Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân khi ký hợp đồng cho thuê mặt bằng mà chưa xin chủ trương của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện chưa tốt chức năng quản lý đất để một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất, sử dụng không phép...