Đào tạo lái xe: Khó với quy định lắp cabin điện tử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Còn 2 tháng nữa, các cơ sở đào tạo lái xe bắt buộc phải áp dụng cabin điện tử vào giảng dạy. Thế nhưng, đến thời điểm này, các trung tâm đào tạo rối như canh hẹ khi chưa thể lắp, vì tốn kém trong khi những đơn vị cung cấp cabin chưa được kiểm định chất lượng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lưu Đức Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Á Châu (Hưng Yên) cho biết, việc áp dụng lắp cabin trong mô phỏng đào tạo lái xe không mới, vì trước đây đã áp dụng xong rồi bỏ.

Theo ông Hải, thời điểm này do việc mua ô tô đắt, một số trung tâm đã áp dụng nhưng sau đó bỏ, vì không hiệu quả bằng chạy trên sa hình, trên thực tế với các tình huống giống như thật.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo lái xe đang “ngồi trên đống lửa” với quy định mới, vì chi phí mua cabin tốn kém. Cụ thể, tại trường đào tạo lái xe của ông có hơn 100 xe, đồng nghĩa với việc phải mua khoảng 10 cabin lắp cho 10 xe mới đáp ứng được nhu cầu của học viên. Hiện tại, mỗi cabin có giá 300- 500 triệu đồng. “Các trung tâm đào tạo lái xe vừa trải qua đợt dịch COVID-19 chưa phục hồi được, nay phải thêm chi phí vài tỷ đồng để sắm cabin là quá sức. Trước đây, mỗi tháng, trường đào tạo khoảng 500 học viên. Những quy định mới đang gây khó cho cả trung tâm lẫn học viên, khiến các trường đào tạo giảm đáng kể số học viên. Nếu tiếp tục quy định học lái xe trên cabin điện tử sẽ giảm khoảng 50% học viên so với trước”, ông Hải nói.

Thông tư 12 năm 2017 do Bộ GTVT ban hành về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có quy định, các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị cabin học lái ô tô từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, Bộ GTVT cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này đến 31/12/2022.

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trung tâm Đông Đô (Bắc Ninh) nói: “Cách đây vài năm, tôi đi Hàn Quốc tham quan cơ sở đào tạo lái xe. Tại một cơ sở lớn nhưng chỉ có duy nhất một cabin. Bây giờ, tại Hàn Quốc, các cơ sở đào tạo lái xe cũng không dùng cabin. Tôi không hiểu vì sao, mình vẫn cố gắng đưa cabin vào để dạy học viên”.

Ông Toản cho rằng, thực tế dùng cabin điện tử đào tạo lái xe hiệu quả không cao, do trước đây đã có triển khai nhưng cuối cùng các thiết bị đã bị bỏ xó. Việc học lái xe cần phải “văn ôn võ luyện” trên sa hình, trên thực tế, với các tình huống thật trong khi cabin tập lái sử dụng chỉ có tính tham khảo.

Đào tạo lái xe: Khó với quy định lắp cabin điện tử ảnh 1

Nhiều cơ sở đào tạo lái xe cho biết, sẽ gặp khó nếu phải áp dụng cabin trong học lái ô tô Ảnh: Lê Hữu Việt

Theo ông Toản, với tình hình hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên gia hạn thêm thời gian triển khai cabin tập lái ô tô thêm khoảng 1 năm nữa. Các cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước đã có văn bản kiến nghị xin lùi thời điểm áp dụng từ ngày 1/1/2023. Cùng với đó, cần làm thí điểm tại một số trung tâm đào tạo lái xe của Nhà nước rồi đánh giá hiệu quả, nếu hợp lý mới nhân rộng, bởi đầu tư cabin rất tốn kém.

Đề xuất điều chỉnh thời gian trang bị cabin

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo của Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị vừa làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe về những vấn đề trên.

Theo vị này, đề xuất trang bị cabin đào tạo lái xe có từ năm 2018, khi Bộ GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà, nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ô tô. Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được, và có ý tưởng đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành hàng không và đường sắt, nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.

“Phần học trên cabin thay 4 giờ học thực hành trên xe. Thực tế học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau, nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông…”, vị này nói.

Về đánh giá tính hiệu quả áp dụng cabin tập lái, vị này khẳng định, trước đây Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ thử nghiệm phần học cabin, do đó có đủ điều kiện để triển khai trên cả nước.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái ô tô, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh lộ trình trang bị cabin học lái ô tô. Mục đích là để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất cabin học lái ô tô. “Việc lùi quy định trên còn giúp các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp cabin học lái xe theo đúng quy định và để hoạt động đào tạo lái ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…”, vị này cho hay.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.