>> Triệu tập đối tượng xẻ thịt voi phục
Địa danh thiêng liêng nơi mà muốn sửa một viên ngói, trồng một hàng cây, thay một đầu đao cũng phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nơi được hưởng những quy định chặt chẽ của luật di sản văn hóa, nơi có tầng tầng lớp lớp bảo vệ từ công an, chính quyền các xã lân cận đến cả ban quản lý đền Hùng.
Tưởng con chuột chạy qua cũng không thoát. Thế mà? máy xúc nghễu nghện khoét đi hàng trăm khối đất ở đồi Cá Chuối, ngay cạnh đài tưởng niệm liệt sĩ đang xây dựng và cách đền Quốc tổ Lạc Long Quân khoảng 500m. Thế mà? tại chân núi Trọc - một trong tam sơn cấm địa (gồm núi Trọc, núi Vặn và núi Hùng), thuộc khu vực I của di tích lịch sử đền Hùng, những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên.
Thế mà? trưởng ban quản lý đền Hùng nói, đó chỉ là người dân đào ao thả cá. Còn tỉnh Phú Thọ, đến ngày 4 - 3 mới có thông báo kết luận (dù từ tháng 2 báo chí đã điều tra và thông tin cụ thể).
Thanh tra Bộ VH-TT&DL vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng, nhấn mạnh: Căn cứ tình trạng xâm phạm và đối chiếu với quy định của Luật di sản văn hóa, UBND các cấp của tỉnh Phú Thọ phải chịu trách nhiệm vì chưa thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương.
Những con voi vẫn chầu về đất Tổ như tâm thế của người Việt muôn phương. Nhưng mặt đất dưới chân voi đang bị khoét, đục. Ai an tâm cho đặng?
Tỉnh Phú Thọ tự hào đại diện đồng bào anh em trong nước Việt chăm sóc bàn thờ tổ tiên, hàng năm đứng ra giỗ tổ. Phú Thọ từng quyết liệt quét hàng rong, cờ bạc, nắn chỉnh hàng quán ở lễ hội đền Hùng. Phú Thọ cũng từng mong muốn có màu xanh cho đền Hùng, bằng nhiều buổi trồng cây sau Tết Nguyên đán. Tin rằng, Phú Thọ biết sẽ tiếp tục làm gì.