> Xe bọc thép sẵn sàng cứu dân trong siêu bão Haiyan
>Clip: 1.200 người Philippines chết vì siêu bão HaiYan
Các tỉnh thành miền Trung chiều qua hối hả chạy siêu bão. Nhà cửa được khẩn trương chèn chống, tàu thuyền được kêu gọi vào bờ. Hàng ngàn dân di dời từ vùng xung yếu đến an toàn.
Chạy bão
Sáng sớm, các địa điểm bán bao cát, dây thép gai, cột gỗ chèo chống nhà cửa ken đặc người. Tại các bãi biển ở Đà Nẵng, người dân ùn ùn đổ ra xúc cát vào bao. Trời vẫn đang hửng nắng, nhưng từng con sóng bạc đầu ầm ầm vỗ vào bờ. Siêu bão Haiyan như đã ở rất gần.
12 giờ trưa, ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: Riêng quận phải di dời hơn 7.000 dân ngay trước đêm. 70 hộ dân với 50 khẩu ở khu nhà liền kề làng Vân (tổ 13 và 14 Hòa Hiệp Nam) đã được di dời đến ký túc xá của trường Cao đẳng Xây dựng gần đấy. Các lực lượng công an, quân đội… được huy động tối đa để giúp dân, đồng thời cưỡng chế di dời ngay nếu hộ nào không chấp hành.
Ông bà Phạm Bùng và Đoàn Thị Nhiên, tuổi ngoại 80, móm mém di dời đến KTX. Đây là lần đầu tiên, những cụ già trên 80 như ông Bùng, bà Nhiên được ở… KTX.
“Già như ri rồi mới nghe được cơn bão cấp 17 lần đầu tiên trong đời. Xem ti vi thấy nó phá ở đất nước Philippines mà kinh hoàng. Sợ quá”. Chị Lan, ôm vội mấy chiếc chiếu, hối hả chạy lên ký túc xá, hốt hoảng như siêu bão đã ở ngay sau lưng: Răng lạ chú hè. Bầy tui xem đường bão nó đi mà đứng tim. 60 năm ở miền Trung, chưa thấy cơn bão nào kỳ quái như ri”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã có lệnh đến với tất cả các sở, ban ngành quận huyện, chỉ đạo sơ tán 45.920 hộ dân với 162.388 ngàn người trước 19 giờ tối qua.
Đào hầm trốn
Người dân xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam) đào hầm trú bão. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Trước cảnh báo về sức huỷ diệt của bão Haiyan (số 14), dọc các xã ven biển của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam) người dân và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai phòng chống bão lũ. Đặc biệt, người dân đã đào trên 500 hầm để tránh siêu bão.
Xã Duy Hải (Duy Xuyên) vừa chịu thiệt hại nặng nề do bão Nari số 11, nay vẫn còn tan hoang, nhiều nhà dân đổ sập, tốc mái vẫn còn dang dở việc khắc phục. Chiều 9/11, xã đã tổ chức di dời khẩn cấp 510 hộ với hơn 1.800 khẩu sống ven biển về tại các trụ sở, trường học để tránh bão.
Đặc biệt tại thôn Trung Phường, sát biển nơi bão Nari chà xát, xã đã phải cưỡng chế bắt buộc các hộ dân di dời người và tài sản vào sâu bên trong. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải, khẳng định: “Rút kinh nghiệm từ bão Nari, xã kiên quyết không để các hộ dân sống sát biển ở lại nhà từ đêm 9/11 tránh thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản”.
Ngoài việc chằng chống nhà cửa, tài sản, để bảo vệ tính mạng, nhiều hộ dân đã chủ động đào hầm tránh bão ngay trong ngày 9/11. Tại xã Duy Hải đã có gần 200 hầm tránh trú bão dã chiến đã được dân đào và thiết kế. Hầm rộng khoảng 4m2, đào sâu xuống gần 2m, được chống đỡ bằng gỗ và tôn vững chắc có thể chứa 6-10 người.
Tại xã Duy Nghĩa, cũng có khoảng 300 hầm tránh bão đã được người dân tự thiết kế. Ông Trương Thông, thôn Bình Triều (Duy Nghĩa) cho biết: “Sau trận bão Nari, nhà cửa dân làng xiêu vẹo, nứt nẻ khó lòng trụ nổi với siêu bão. Nhà nào cũng chủ động phối hợp nhau cùng đào hầm để bảo đảm an toàn tính mạng cho mình và người thân. Ở miền biển này, có hầm chỉ cần khi gió nổi, bà con kéo nhau xuống hầm tránh trú là an toàn nhất”. Trong các hầm đều được bố trí chăn chiếu, nước ngọt, đồ ăn uống cho người dân tránh trú khi bão vào.
Ngay trong ngày 9/11, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam đã được phân công về các địa phương để đôn đốc công tác phòng chống bão. Chủ tịch tỉnh Lê Phước Thanh cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương di dời hơn 44.000 hộ với gần 150.000 nhân khẩu tại các vùng xung yếu, kiên quyết không để người dân sống trong các nhà cấp 3, cấp 4, nhà xuống cấp khi bão vào. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các hồ thủy điện thực hiện điều tiết đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ theo quy trình vận hành được phê duyệt trước 24h ngày 9/11.
Tại huyện Núi Thành, hơn 4.000 dân các xã vùng ven biển Núi Thành đã được sơ tán. Sư đoàn 315, lực lượng Biên phòng, Hải đội 2 cũng khẩn trương cử hơn 150 cán bộ chiến sĩ giúp dân phòng chống bão. Công tác dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thuốc men cũng đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Người dân cũng chủ động tháo dỡ các bảng hiệu, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Tại thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành) đã có 250 hộ dân được tập trung tại nhà tránh trú bão của thôn và được sơ tán đến trú bão tại thị trấn Núi Thành. Toàn bộ tàu thuyền được đưa về neo đậu ở các khu vực an toàn, chính quyền địa phương và các lực lượng cũng đã tổ chức giúp di dời dân và chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản.
Dốc toàn lực phòng chống
Ngư dân Đà Nẵng cẩu thuyền lên bờ đưa đến nơi an toàn. |
Tại cuộc họp khẩn của Bộ Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo vào chiều qua, đại diện Bộ TN&MT cho hay, đây là cơn siêu bão rất khủng khiếp. Đến cuối giờ chiều qua, vẫn chưa thể xác định được tâm bão sẽ đi cụ thể vào tỉnh nào, nhưng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ là nơi hứng chịu nặng nề nhất.
Đảo Lý Sơn sẽ là nơi hứng chịu bão đầu tiên với cái đuôi của Haiyan sẽ quét qua. Bắt đầu từ đó, cơn bão sẽ bẻ hướng, chạy song song ngoài biển trước khi đâm vào đất liền, dự kiến tâm bão đi vào vùng Quảng Trị đến Hà Tĩnh hoặc Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh cấp ủy chính quyền, Bộ Công an, Quốc phòng, QK5, hệ thống chính trị các tỉnh khu vực đã chỉ đạo quyết liệt, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về ứng phó bão số 14.
“Vì sao siêu bão khủng khiếp như vậy mà Philippines vẫn hạn chế tối đa được thiệt hại về người, trong khi các lần trước lên đến hàng ngàn. Do họ kiên quyết. Bây giờ ta cũng phải thế. Kiên quyết, triệt để, hạn chế tối đa thiệt hại tính mạng của dân”.
“Cần kiên quyết di dời người dân khu vực ảnh hưởng; không để ngư dân trên tàu. Nếu tuyên truyền, vận động không được cần tiến hành biện pháp cưỡng chế. Bài học bão số 11 (Nari), Đà Nẵng giảm tối đa người chết do giải quyết tốt công tác di dân”, Phó Thủ tướng nói.
BCH Quân sự TP Đà Nẵng tăng cường vận động thậm chí cưỡng chế, bắt buộc người dân, công nhân, sinh viên di chuyển khỏi các căn nhà trọ, tạm bợ. Theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, khác với cơn bão trước do tính chất bão số 14 mạnh, sức uy hiếp lớn, Đà Nẵng thành lập 3 đội cứu hộ trên sông; đội cứu hộ sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão, huy động xe tăng thiết giáp, đặc chủng trong bão.
Chiều 9/11, gần 2.000 tàu thuyền Đà Nẵng và các vùng lân cận vào neo đậu an toàn tại các âu thuyền, vùng vịnh. Hiện Đà Nẵng không còn tàu thuyền khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, theo ông Chiến, thành phố yêu cầu tất cả ngư dân không ở trên tàu khi bão đổ bộ. UBND các quận, huyện bố trí lực lượng cơ động, dân phòng bảo vệ tài sản trên tàu cho ngư dân.
Cuối giờ chiều nay 9/11 tại Quảng Nam có ít nhất 2 người chết khi phòng chống bão số 14. Ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, ở phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) tử vong khi đang trèo chặt tỉa cây phòng bão, không may bị ngã. Ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc) tử vong do bị rơi từ mái nhà khi đang chèn chống phòng tránh bão. Ngoài ra, có hơn 30 trường hợp phải nhập viện điều trị cũng do bất cẩn ngã từ mái nhà. |